Các quỹ đầu tư tiếp tục "rót" mạnh tiền vào startup chăm sóc sức khỏe
Hôm 13/3 vừa qua, Medigo - một công ty khởi nghiệp (startup) Việt hoạt động trong lĩnh vực healthtech (công nghệ y tế) với trụ cột là ứng dụng tư vấn sức khỏe, hỗ trợ dịch vụ giao thuốc 24/7 và dịch vụ xét nghiệm tại nhà... thông báo huy động thành công 2 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A.
Thương vụ được dẫn dắt bởi quỹ đầu tư East Ventures cùng hai quỹ khác là Pavilion Capital và Touchstone Partners. Với khoản tiền đầu tư này, Medigo cho biết sẽ tập trung phát triển, mở rộng hệ sinh thái chăm sóc sức khoẻ vốn có.
Trong 3 năm qua, Medigo đã phát triển được hơn 500.000 người dùng bằng cách cung cấp dịch vụ giao thuốc theo yêu cầu 24/7 bằng cách kết nối người dùng với các hiệu thuốc có gần đó và giao thuốc trong vòng 20 phút.
Startup này hiện có khoảng 1.000 đối tác dược phẩm tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM - ba thành phố lớn nhất của Việt Nam; cũng như sẽ bắt đầu mở rộng sang các thành phố khác như Bình Dương, Vũng Tàu hay Hải Phòng trong năm nay.
Trước đó, hôm 14/2, BuyMed - một startup chăm sóc y tế vận hành nền tảng Thuocsi.vn, phân phối dược phẩm trực tiếp theo mô hình B2B cũng đã tuyên bố gọi vốn thành công 33,5 triệu USD cho vòng vòng Series B của mình.
Vòng gọi vốn này được dẫn dắt bởi UOB Venture Management. Cùng với đó là hai nhà đầu tư đã đồng hành cũng BuyMed từ vòng series A là Smilegate Investment và Cocoon Capital.
Từ nhà kho đầu tiên xây dựng tại TP.HCM, BuyMed hiện cũng đã mở rộng thêm kho ở Hà Nội và Bình Dương với tổng diện tích là 18.000m2 để đảm bảo quá trình xử lý đơn hàng diễn ra thuận lợi nhất, phục vụ cho hơn 30.000 khách hàng trên cả nước, trong đó có hơn 17.000 khách hàng đặt hàng thường xuyên mỗi tháng.
Ứng dụng Medigo trên smartphone. |
Năm 2022, thị trường này cũng chứng kiến nhiều thương vụ đình đám ngay từ đầu năm như: EastBridge Partners - Tập đoàn đầu tư lớn của Hàn Quốc có quy mô vốn 1 tỷ USD hoàn tất thương vụ đầu tư 30 triệu USD vào USM Healthcare vào tháng 2. USM Healthcare là nhà phát triển và sản xuất stent mạch vành duy nhất ở Việt Nam, cùng với ống thông bóng và vật tư y tế.
Kế đến, đầu tháng 3/2022, Jio Health - một startup khác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Việt Nam công bố hoàn tất vòng gọi vốn Series B trị giá 20 triệu USD do quỹ đầu tư Heritas Capital, có trụ sở tại Singapore dẫn đầu và các nhà đầu tư Fuchsia Ventures, Kasikorn Bank Group, Monk's Hill Ventures. Qua ứng dụng Jio Health trên smartphone, nền tảng này giúp hỗ trợ các y, bác sỹ thăm khám và chăm sóc bệnh nhân mọi lúc mọi nơi một cách thuận tiện hơn.
Cùng thời điểm, POC Pharma - startup này đã gọi vốn thành công 10,3 triệu USD trong vòng Series A do quỹ Alven dẫn đầu, cùng Picus Capital, FEBE Ventures và FJ Labs. Nguồn vốn mới sẽ được POC Pharma sử dụng để đẩy nhanh việc triển khai các giải pháp tiếp thị kỹ thuật số cho ngành dược phẩm, đồng thời mở rộng thị trường sang các quốc gia trong khu vực...
Vừa cạnh tranh - vừa hợp tác
Kinh tế phát triển, thu nhập người dân ngày càng gia tăng, cùng với đó là sự già hóa dân số và nhận thức về sức khỏe được nâng cao đã tạo ra dư địa lớn cho các dịch vụ chăm sóc y tế, sức khỏe chất lượng, "thông minh" hơn mà hiện tại vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.
Nếu như nói đại dịch COVID-19 là một cú hích đối với chuyển đổi số thì cùng với giáo dục hay thương mại điện tử - y tế chính là một trong những ngành thấy được rõ nhất tác động của sự chuyển đổi này. Trong đó, healthtech trở thành tâm điểm đầu tư mới, khi nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến ngày càng tăng do sự tiện lợi và thói quen hạn chế tiếp xúc trực tiếp phần nào vẫn được duy trì sau dịch.
Có thể nói, sau hơn 3 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, lĩnh vực healthtech từ tiềm năng đã trở thành "mỏ vàng" với các startup trong khu vực Đông Nam Á và tại Việt Nam.
Các startup này phục vụ nhiều phân khúc khác nhau của thị trường, song phổ biến và phát triển nhất là telehealth (tư vấn, khám bệnh từ xa) và nhà thuốc trực tuyến. Trong đó, các ứng dụng chuyên biệt về thăm khám hay kết hợp cả khám bệnh, xét nghiệm và bán thuốc phổ biến nhất có thể kể đến: JioHealth, Med247, eDoctor, Medigo, POC Pharma, Doctor Anywhere, Jio Health...
Bằng cách kết nối với dược sĩ để tư vấn, liên kết với các nhà thuốc uy tín để bán thuốc và giao hàng tận nơi 24/7..., sự xuất hiện của các nền tảng này đã cung cấp cho người tiêu dùng đa dạng hơn quyền lựa chọn các dịch vụ, sản phẩm.
Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, số công ty healthtech được xem là nổi bật của Việt Nam với bề dày, quy mô gọi vốn và dịch vụ đa dạng hiện cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Về tổng thể, lượng startup này chỉ chiếm chưa tới 2% trong tổng số hơn 4.000 startup châu Á cùng lĩnh vực. Và để có thể phát triển, thành công như cách các startup Fintech trong lĩnh vực tài chính đang làm cũng còn cần những bước đi khá dài...
Chưa kể, tại Việt Nam, thị trường bán lẻ dược phẩm có tính phân mảnh rất cao, với hơn 50.000 nhà thuốc, đa số là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Theo hãng nghiên cứu thị trường BMI, doanh số thị trường này sẽ tăng từ 7,7 tỷ USD vào năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026 với tốc độ tăng trưởng kép lên tới 11%.
Với tiềm năng như vậy, thị trường bán lẻ dược phẩm ngày càng phân mảnh rõ nét hơn, khi các doanh nghiệp lớn tăng tốc mở chuỗi, tăng độ bao phủ để có doanh thu lớn, tạo ra mô hình nhà thuốc hiện đại, cạnh tranh với nhau và đối đầu trực tiếp với các cửa hàng bán lẻ dược phẩm truyền thống. Trong đó, cuộc đua "tam mã" mở chuỗi bán lẻ dược phẩm thời gian qua nổi bật nhất bởi 3 cái tên Long Châu, An Khang và Pharmacity…
Như trên, bên cạnh các hiệu thuốc tư nhân truyền thống, nhà thuốc tại các bệnh viện hay chuỗi bán lẻ dược phẩm chuyên biệt của các "ông lớn" thì thị trường này những năm gần đây còn có sự góp mặt nhiều hơn của những nền tảng y tế trực tuyến kết hợp tư vấn, chăm sóc sức khỏe.
Và trong bức tranh này, các nền tảng y tế số vừa cạnh tranh trực tiếp với các cửa hàng, chuỗi bán lẻ; đồng thời lại cũng chính là đối tác khi kết nối khách hàng với các hiệu thuốc gần nhất thông qua ứng dụng của mình...
Theo Vietnam Report, thị trường chăm sóc sức khỏe nói chung và dược phẩm Việt Nam nói riêng đang trong giai đoạn gia tăng nhanh chóng với định giá 16,2 tỷ USD, chiếm 6% GDP ở năm 2020. Trong đó, tổng chi tiêu cho y tế nói chung đã tăng từ 16,1 tỷ USD năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021, dự kiến đạt 23,3 tỷ USD năm 2025 và lên tới 33,8 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2020-2030 là 7,6%. |