Chàng rể Tây mê võ cổ truyền Việt Nam
Tại Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII - Bình Định 2023 diễn ra vào đầu tháng 8 năm nay có chàng rể Việt Nam Jean Philippe Crèvecoeur thuộc môn phái Thủy pháp, Vương quốc Bỉ. Đây là lần thứ tư anh đến Bình Định dự Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam.
Jean Philippe chia sẻ với báo chí: "Võ sư Huỳnh Chiêu Dương là thầy của tôi, ngoài võ thuật, ông còn có nhiều hiểu biết về lịch sử Việt Nam. Ban đầu, tôi thấy đây là môn rất khó tập vì trước giờ chưa chơi bất kỳ môn thể thao nào. Các bài võ của môn phái Thủy pháp chủ yếu sử dụng sức nước trong cơ thể, do đó, động tác cần uyển chuyển, mềm dẻo chứ không dùng cơ bắp như những môn thể thao khác".
Anh Jean Philippe Crèvecoeur biểu diễn giao lưu tại Thiền viện Thiên Hưng trong khuôn khổ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII - Bình Định 2023. (Ảnh: Lê Na/Báo Bình Định). |
Theo Jean Philippe, võ sư Huỳnh Chiêu Dương là người đầu tiên truyền bá Thủy pháp Việt Nam tại Brussels (Bỉ) vào năm 2002 và sau đó là các thành phố khác của Bỉ. Hai năm sau, năm học 2004 - 2005, nhiều trường trung học tại Bỉ đã đưa Thủy pháp Việt Nam vào giảng dạy trong giờ chính khóa. Thủy pháp Việt phù hợp với mọi lứa tuổi và khi tập sẽ giúp cơ thể điều hòa khí huyết, khai thông kinh mạch... Chính vì vậy mà môn võ này đang phát triển nhanh tại Bỉ.
Hiện môn phái Thủy pháp có 4 - 5 lớp tại Bỉ, trong đó Jean Philippe cũng mở 3 võ đường, một điểm tại thủ đô Brussel, một điểm ở một thành phố phía Bắc và điểm còn lại nằm ở phía Nam. Võ sinh các lớp chủ yếu là người Bỉ, rất ít người Việt Nam.
Jean Philippe kể: Sau hai lần theo thầy về Việt Nam tham gia Liên hoan quốc tế võ cổ truyền tại Bình Định, anh xin ở lại Việt Nam để tiếp tục học võ thuật. Võ sư Huỳnh Chiêu Dương gửi học trò cho một người bạn có võ đường. Ngoài những giờ chăm chỉ luyện tập võ, Jean Philippe mua cuốn từ điển Anh - Việt để tự học tiếng Việt. Thấy vậy, bạn bè đồng môn thường trò chuyện, giúp đỡ anh trau dồi ngoại ngữ.
Càng học tiếng Việt, càng tìm hiểu văn hóa Việt, Jean Philippe càng mê. Niềm đam mê ấy càng được chắp cánh khi vợ của Jean Philippe là một cô gái Việt Nam.
Chị Đặng Thị Thu Quyên, vợ anh Jean Philippe cho biết: “Chúng tôi cưới nhau được 7 năm rồi, nhưng trước đó tôi cũng đã tham gia Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam năm 2014. Sau khi cưới nhau, Jean Philippe Crèvecoeur hướng dẫn tôi đến với võ cổ truyền Việt Nam và tôi đã tập luyện được vài năm. Tôi thấy cũng thú vị, vì mình là người Việt Nam nhưng lại được một người nước ngoài giới thiệu về môn võ của quê hương mình”.
Võ cổ truyền Việt Nam đã phát triển ở hơn 50 quốc gia. Ước tính trên thế giới hiện có khoảng 400 trung tâm đào tạo, huấn luyện, môn phái, võ phái, võ đường, câu lạc bộ với hơn 1.000 võ sư, huấn luyện viên cùng khoảng 1 triệu lượt môn sinh theo học võ cổ truyền Việt Nam. Sự thu hút của võ cổ truyền Việt với số lượng người theo học đông không chỉ bởi họ tìm thấy ở đó một loại hình thể thao mà còn vì thấy những giá trị triết lý nhân văn sâu sắc. |