Cầu nối vững chắc củng cố, phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
Tham dự cuộc gặp mặt có ông Vũ Hải Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Phó Chủ tịch Tổ chức Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam; các thành viên Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; đại diện lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao; Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Tô Huy Rứa - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản cùng các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội.
Toàn cảnh cuộc gặp mặt. Ảnh: Thành Luân |
Báo cáo về tình hình hoạt động của Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản qua các nhiệm kỳ Quốc hội đã có nhiều hoạt động hiệu quả và nổi bật, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Nhóm liên tục do các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam làm Chủ tịch, điều này thể hiện sự coi trọng quan hệ với Nhật Bản trên kênh nghị viện và vai trò của Nhóm trong việc duy trì và phát triển quan hệ giữa hai nước.
Thời gian qua, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, cùng Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt, trở thành cầu nối vững chắc góp phần củng cố và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á, tạo sức lan tỏa, hỗ trợ hoạt động hợp tác của hai nước trên tất cả các lĩnh vực; đẩy mạnh ngoại giao nhân dân; góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các chương trình, dự án hợp tác giữa Việt Nam với Nhật Bản.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà báo cáo tình hình hoạt động của Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: Thành Luân |
Hoạt động của Nhóm đã góp phần vận động các nghị sĩ, chính giới Nhật Bản dành nguồn viện trợ ODA giúp Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xóa đói, giảm nghèo và hoàn thiện hạ tầng cơ sở; vận động các nghị sĩ Nhật Bản ủng hộ quan điểm, lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực thuộc lợi ích chiến lược của ta như Biển Đông, sông Mekong...
Về trao đổi đoàn, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đã cử đoàn thăm, làm việc tại Nhật Bản vào tháng 12/2016 và tháng 9/2019. Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt cũng đã cử nhiều đoàn thăm, làm việc tại nước ta. Ngoài ra, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt đã tham dự và tổ chức các hoạt động như sáng kiến Giao lưu hoa sen; Lễ hội giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam; Tọa đàm Nghị sĩ Việt Nam - Nhật Bản và Dự án Đại học Việt - Nhật.
Trong các cuộc làm việc, hai bên trao đổi, thúc đẩy việc thực hiện các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, tạo sự lan tỏa và hỗ trợ hoạt động của Chính phủ, đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, bảo đảm hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác giữa Việt Nam với Nhật Bản.
Báo cáo định hướng hoạt động của Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, bà Lê Thu Hà - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản cho biết, Nhóm sẽ tiếp tục thực hiện việc trao đổi đoàn cấp cao và các cấp giữa hai nước, thúc đẩy tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc; đẩy mạnh giao lưu kết nối giữa Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản để nâng cao hiệu quả và tiếp tục phát triển các mối quan hệ với các chính trị gia có uy tín và tiếng nói quan trọng trên chính trường Nhật Bản; góp phần tăng cường giao lưu nhân dân hai nước nhằm tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau; thúc đẩy hợp tác địa phương và phát triển nông nghiệp; phối hợp chặt chẽ với phía Nhật Bản thúc đẩy các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam; chủ trì, thúc đẩy tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi với hình thức linh hoạt về các nội dung liên quan đến hoạt động của Quốc hội; Chủ tịch Nhóm tham gia hoặc cử đại diện tham gia các hoạt động ngoại giao song phương giữa hai nước; tổ chức họp Nhóm định kỳ trong các kỳ họp Quốc hội... |
Sau khi nghe báo cáo, các thành viên của Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và đại diện các cơ quan hữu quan đã thảo luận, bổ sung, làm rõ, phong phú thêm các hoạt động hợp tác giữa hai nước, hai Quốc hội Việt Nam - Nhật Bản nói chung và hoạt động của Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản nói riêng, đồng thời gợi mở nhiều giải pháp để hoạt động của Nhóm có hiệu quả, thực chất hơn trong thời gian tới.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga phát biểu tại cuộc gặp mặt. Ảnh: Thành Luân |
Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nêu ra 3 kiến nghị: Thứ nhất, Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tăng cường gắn kết hơn nữa trong các hoạt động và chia sẻ thông tin, cộng hưởng sức mạnh của đối ngoại nhân dân với đối ngoại Quốc hội, đặc biệt khi đối ngoại Quốc hội là nơi kết hợp hài hòa, nhuẫn nhuyễn đối ngoại Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Thứ hai, Đại sứ mong muốn các đại biểu Quốc hội dành thời gian tham gia vào các hoạt động đối ngoại nhân dân để tăng cường hơn nữa vị thế của các hoạt động này.
Thứ ba, trong khuôn khổ cho phép, trong các hoạt động của lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là hoạt động của Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, đại diện của Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản có thể tham gia, hoặc qua đó tranh thủ tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân trong khuôn khổ các chuyến thăm của lãnh đạo Quốc hội.
Cùng chia sẻ quan điểm, ông Tô Huy Rứa - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đề nghị thiết lập quan hệ chặt chẽ giữa Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội và Nhóm, góp phần phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.
Kết luận cuộc gặp mặt, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với sự tin cậy chính trị cao. Bà Trương Thị Mai đề nghị, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục có những đóng góp tích cực nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản. Nhóm và Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản cần duy trì tăng cường kết nối, trao đổi thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động; các thành viên Nhóm tích cực tham gia có trách nhiệm cao nhất trong các hoạt động của Nhóm, qua đó góp phần quan trọng vào công tác đối ngoại của Quốc hội cũng như phát triển quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa hai nước.