Câu chuyện quốc tế: “Cai nghiện” mạng xã hội
Câu chuyện bắt đầu từ 6 năm trước. Khi đó, chị Lorna Klefsaas, sống ở bang Minnesota (Mỹ) rất lo lắng về cậu con trai 12 tuổi tên là Sivert. Cậu không hề nghe những lời khuyên bảo của mẹ và vẫn dành quá nhiều thời gian trong ngày cho máy tính và điện thoại để lướt mạng thay vì chú tâm vào học hành.
Giống như bao bạn bè cùng trang lứa, Sivert đặc biệt ham mê mạng xã hội và có đủ “bộ sưu tập” tài khoản trên các nền tảng, từ Facebook, Instagram cho đến Twitter.Chị Klefsaas hiểu rằng, đã có hàng loạt bài học nhãn tiền khi con trẻ dùng mạng xã hội quá nhiều mà truyền thông thường xuyên cảnh báo các bậc cha mẹ.
Mạng xã hội đã trở thành một phần của cuộc sống, phủ sóng khắp toàn cầu và thu hút mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em và thanh thiếu niên. Ảnh: Getty |
Trong lúc chưa tìm ra phương pháp nào thích hợp để điều chỉnh thói quen của Sivert, chị vô tình nghe được một thử thách có thưởng trên chương trình phát thanh và quyết định áp dụng nó với con trai.
Theo đó, chị đưa ra thử thách “18 cho 18”, có nghĩa là chỉ cần Sivert không sử dụng mạng xã hội đến năm 18 tuổi thì cậu sẽ có khoản tiền 1.800USD. Sivert rất hứng thú và ngay lập tức đồng ý. Trải qua 6 năm nghiêm túc “cai nghiện” mạng xã hội thành công, cậu vừa mới nhận được phần thưởng của mẹ vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 18 của mình.
Chính bản thân Sivert cũng nhận thấy, mặc dù việc từ bỏ mạng xã hội khiến mình “lạc hậu” hơn so với bạn bè trong thời đại công nghệ số bùng nổ nhưng cuộc sống của cậu không hề bị xáo trộn. Cậu vẫn lên mạng để tìm kiếm tài liệu phục vụ cho việc học.
Ngoài thời gian học tập, Sivert tham gia các hoạt động ngoại khóa, chơi thể thao và phụ giúp việc nhà. Chia sẻ về thời gian “căng như dây đàn” này, chị Klefsaas cho biết, cả nhà đã cùng động viên Sivert, đồng thời vui mừng trước sự quyết tâm của con trai. Chị khẳng định, nếu để Sivert sa đà vào mạng xã hội, cậu có thể đối diện với nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến nhân cách và cuộc sống. “Đây là một thành công lớn trong chăm sóc sức khỏe tinh thần cho con tôi”, chị nhấn mạnh.
Sự phát triển của công nghệ thông tin nói chung đã và đang tác động rất lớn đến mọi mặt đời sống xã hội. Trong đó, mạng xã hội là một thành tựu khoa học kỹ thuật quan trọng, góp phần cung cấp kiến thức mới, đem con người đến gần với nhau hơn, giúp họ nói lên suy nghĩ của mình được nhiều hơn, tìm kiếm cơ hội việc làm hay kinh doanh... Người ta sử dụng mạng xã hội mọi lúc, mọi nơi, thậm chí bất cứ khi nào rảnh tay chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một máy tính bảng hay máy tính cá nhân có kết nối internet.
Có thể nói, mạng xã hội đã trở thành một phần của cuộc sống, phủ sóng khắp toàn cầu và thu hút mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em và thanh thiếu niên. Dẫu vậy, việc quản lý và định hướng con cái sử dụng mạng xã hội đúng mục đích vẫn là mối quan tâm rất lớn của các ông bố, bà mẹ. GS Sasha Zagoloff, chuyên gia tâm lý tại Đại học Y tế Minnesota cho biết, việc sử dụng mạng xã hội ở trẻ em và thanh thiếu niên không hoàn toàn là điều tốt hay xấu. Bà cho rằng, điều quan trọng là phụ huynh cần quan tâm và giới hạn quyền sử dụng mạng xã hội của chúng.
Vấn đề trên lại càng “nóng hổi” khi đại dịch Covid-19 kéo dài khiến phần lớn trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới phải học trực tuyến. Không thể phủ nhận sự tiện lợi và tính thiết thực của hình thức học tập mới này. Tuy nhiên, hầu hết các bậc cha mẹ còn bận đi làm, không có nhiều thời gian giám sát con em mình học trực tuyến ở nhà thế nào và truy cập internet ra sao. Điều đó lại đồng nghĩa với việc, các em sẽ tiếp xúc nhiều hơn với môi trường mạng, trong đó mạng xã hội được coi là “mảnh đất màu mỡ” để nhiều đối tượng xấu lợi dụng truyền bá những thông tin độc hại và tiêu cực, ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ.