Cần xây dựng Luật tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
Theo Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 130/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Chính phủ cũng đã ban hành một số nghị định quy định một số chế độ, chính sách tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc như: Nghị định số 162/2016/NĐ-CP ngày 14/12/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác bảo đảm đối với các tổ chức của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị định số 61/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2021 quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…
Các văn bản được ban hành bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình được chú trọng tạo nguồn, nâng cao năng lực; đảm bảo đầy đủ vật chất, trang thiết bị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Hơn 30 nhân viên y tế đầu tiên của Việt Nam tới Nam Sudan, thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, ngày 2/10/2018 (Ảnh: TTXVN phát). |
Tuy nhiên, việc vận dụng các văn bản nêu trên để triển khai và bảo đảm chế độ, chính sách cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại trụ sở Liên hợp quốc, ở phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi (EUTM - RCA) còn nhiều bất cập. Một số chế độ chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa mang tính ưu tiên, khuyến khích cao, chưa bao quát hết các đối tượng được đề cập, chưa theo kịp sự phát triển của nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết thi hành pháp luật về tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc ngày 27/6 (Ảnh: mod.gov.vn). |
Khắc phục tình trạng nêu trên, các ý kiến đại biểu thống nhất cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đáp ứng yêu cầu thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc để báo cáo Chính phủ và Quốc hội xem xét theo đúng trình tự quy định.
Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo lập đề nghị xây dựng Luật về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đề nghị Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến và tham luận của các đại biểu tại hội nghị. Trên cơ sở đó hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Thượng tướng cũng đề nghị Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng) chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiệp vụ hướng dẫn Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam triển khai các nội dung phục vụ cho công tác lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo đúng quy định.