Cần một Nghị quyết của Quốc hội để thúc đẩy giải ngân đầu tư công
-Thưa Bộ trưởng, xin ông đánh giá tình trạng ách tắc trong giải ngân đầu tư công hiện đang ở mức nào?
-Rất đáng ngại.
-Hậu quả mà chúng ta sẽ phải đối mặt là gì, thưa Bộ trưởng?
-Nhiều đấy, nhưng nói khái quát thì việc nghẽn đầu tư công sẽ làm giảm tổng cầu của nền kinh tế. Tức là đầu tư công không tiếp cận được với thực tế, đây thực sự là vấn đề rất đáng suy nghĩ về hậu quả của nó vì nếu kéo dài tình trạng này sẽ khiến giảm việc làm, giảm xuất khẩu qua đó dẫn đến câu chuyện lớn hơn là giảm thu ngân sách và khiến cho giảm cả tăng trưởng GDP. Hãy hình dung viễn cảnh này tác động tiêu cực thế nào đến tương lai nền kinh tế để từ đó tìm ra giải pháp.
Ông Hồ Đức Phớc cho rằng nếu không giải ngân nhanh đầu tư công thì có thể làm giảm tăng trưởng GDP |
-Nguyên nhân cụ thể là gì, thưa Bộ trưởng?
-Nguyên nhân thì có nhiều, từ việc mất quá nhiều thời gian chuẩn bị đến việc có nhiều nội dung mâu thuẫn nếu áp dụng vào thực tiễn…tất cả những yếu tố dẫn đến một hệ quả chung là rất nhiều dự án không thể triển khai được, nhiều việc dù nhỏ cũng không thể làm ngay được.
-Một ví dụ về sự mâu thuẫn?
-Ví dụ việc Luật Đầu tư công quy định có tiền thì mới được lập dự án, nhưng lập dự án rồi thì mới phân bổ được tiền, vướng ở đấy. Trên thực tế nghẽn ở khâu này sẽ làm tất cả các khâu khác dừng lại, mà các khâu khác dừng lại là đọng lại tiền. Chính vì vậy mới có chuyện Bộ Tài chính phải gửi tiền ngân quỹ ở Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0,8%/năm.
-Cần làm gì để tháo gỡ những vướng mắc này, thưa Bộ trưởng?
-Có một số nội dung cần phải sửa đổi ngay, ví dụ như cần tách phần giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư. Cho khâu giải phóng mặt bằng dự án đi trước, coi đây là việc chuẩn bị đầu tư. Còn về chi phí thì sau này cho gộp lại cùng tổng thể dự án cũng không sao cả. Song song với đó là thủ tục đấu thầu bên cạnh việc đảm bảo công khai, minh bạch thì cần làm gọn lại.
Một việc nữa là cần bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trước, và cân đối ngay từ nguồn chi thường xuyên có tính chất đầu tư. Làm như vậy là để các địa phương và các bộ ngành chủ động lập dự án, phê duyệt thiết kế dự toán rồi để đến khi bố trí vốn đầu tư thì việc triển khai sẽ rất nhanh.
-Còn về mức độ phân cấp, thưa Bộ trưởng?
-Phân cấp thì cần triệt để hơn nữa. Tôi cho rằng với danh mục đầu tư nên giao cho Chính phủ ngân sách Trung ương, còn ngân sách địa phương thì giao cho cấp tỉnh, thành phố. Làm như vậy sẽ đẩy nhanh được tiến độ triển khai. Tôi ví dụ muốn phê duyệt dự án đầu tư thì phải thẩm định thiết kế cơ sở, do đó với nhóm B thì công trình kiến trúc phải đưa về Bộ Xây dựng thẩm định, vậy sao không phân cấp cho tỉnh chịu trách nhiệm luôn để rút ngắn thời gian?
Hoặc với nguồn vốn đầu tư, ta chỉ cần đưa vào kế hoạch vốn đầu tư đối với những dự án trung, dài hạn, còn các dự án khác thì nên giao lại cho bộ ngành và địa phương và khuyến khích dùng vốn thường xuyên tiết kiệm được cùng các nguồn khác để có thể cho làm luôn. Việc này là rất cần thiết đối với các công trình cấp bách đang cần sửa chữa, nâng cấp hiện nay.
Nói tóm lại là cần tháo gỡ mọi rào cản ở mức cao nhất có thể, qua đó thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ. Chúng ta tăng được tổng cầu là tăng chi tiêu của Chính phủ, và đó sẽ là cú huých cho đầu tư tư nhân phát triển.
-Cuối cùng thưa Bộ trưởng, để những nội dung ông vừa nói trở thành hiện thực thì phải xử lý nút thắt “cứ đúng luật mà làm”, giải pháp sẽ là gì?
-Cần phải có hướng tiếp cận tổng thể nhưng thực tế về việc này. Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, trước những đòi hỏi cấp bách của thực tiễn thì cần một Nghị quyết của Quốc hội. Đây sẽ là hướng xử lý tiết kiệm thời gian nhất và đem lại tác dụng toàn diện nhanh nhất.
-Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!