Cân đối lượng cổ phiếu T+2 của phiên "đạp" ATC, VN-Index có thời điểm tăng hơn 10 điểm
Định vị thị trường
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang đi theo vận động chung của khu vực. Khi một loạt các chỉ số chứng khoán châu Á như NIKKEI 225 (+1%), TWSE (+1,16%), KOSPI (+0,72%), SZI (+0,4%) đều tăng điểm thì VN-Index cũng có một phiên tăng điểm.
Lẽ ra, thành quả của chỉ số còn có thể tốt hơn nhưng với mục tiêu cân đối lại lượng cổ phiếu T+2 của phiên ATC nên cuối phiên VN-Index vẫn có dấu hiệu bị "bóp" lại. Bên cạnh đó, kỳ đáo hạn phái sinh tháng 6/2024 cũng đã gần cận kề cũng là nguyên nhân khiến cho thị trường còn thiếu quyết liệt.
Chất xúc tác
Việc chỉ số DXY đang giữ ở quanh mức 105,5 điểm vẫn có tác động tới tỷ giá trong nước. Tỷ giá tự do tiếp tục tăng lên với chiều bán ra đã đạt 25.850 VND/USD.
Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng có diễn biến ngược chiều trong một vài phiên trở lại đây. Thống kê từ Refinitiv Eikon cho biết kỳ hạn qua đêm đã giảm tiếp 0,14% xuống 4,26% trong khi 1 tuần giảm 0,11% xuống 4,44%. Đây cũng là 2 kỳ hạn có mức giảm mạnh nhất được ghi nhận.
Các diễn biến này vẫn chưa đủ làm thay đổi quán tính bán ròng của khối ngoại. Quy mô rút ròng trên HOSE dù thu hẹp hơn so với phiên trước nhưng vẫn trên mức 500 tỷ đồng, đạt 656 tỷ đồng. Tâm điểm của hoạt động bán ra là các mã FPT (-301 tỷ đồng), VPB (-105,5 tỷ đồng), DGC (-83 tỷ đồng), VNM (-78,13 tỷ đồng), MWG (-76,5 tỷ đồng) trong đó FPT đã trải qua tổng cộng 10 phiên liên tiếp bị bán ra.
Vận động thị trường
So với phiên hôm qua, nhà đầu tư sẽ cần phải chú ý hơn nữa bởi lượng cổ phiếu đã bị "đạp" trong phiên ATC ngày thứ Sáu đã về tài khoản nhà đầu tư vào đầu giờ chiều. Nguồn cung tiềm năng này có thể sẽ gây ra bất ổn nếu các vị thế này muốn bán ra quyết liệt.
Tuy nhiên, thị trường đã giải quyết bài toán về cung cầu khá nhẹ nhàng. VN-Index đã ghi nhận sắc xanh trong cả phiên sáng và đến phiên chiều cũng không có sự xáo trộn nào. Thậm chí, quanh thời điểm 14h, VN-Index còn tăng hơn 10 điểm trên bảng giá chứng khoán.
Rổ VN30 có những nhân tố tích cực như POW (+6,8%), PLX (+2,8%), BVH (+2,5%), GVR (+1,8%), SSB (+1,3%), BCM (+1,1%) đã hỗ trợ khá tốt.
Trong khi đó, các mã lớn khác như VIC (+0,2%), BID (0%), MBB (0%), VCB (0%), VPB (-0,8%) là những nhân tố tạo ra thử thách tâm lý bởi sau khi kéo điểm cho VN-Index thì tự triệt tiêu bớt thành quả. Một trong những nguyên nhân chính đến từ hoạt động của khối ngoại tại các mã VPB, VCB.
Dòng tiền trên thị trường cũng đang có dấu hiệu tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu Midcap và Penny. Ở phiên hôm qua, các mã Thép và Cảng biển đã được ưu tiên. Còn trong phiên hôm nay, các mã DGC (+6,17%), NTL (+6,97%), ITD (+6,98%) đã thể hiện khá ấn tượng khi cùng tăng trần. Một số mã khác cũng tăng trên 4% như HHS (+4,33%), CSV (+4,17%).
Sắc xanh trên HOSE hiện diện ở 55% số mã cũng là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang dần trút bỏ những hoài nghi. VN-Index chốt phiên tăng 4,73 điểm lên 1.279,5 điểm (+0,37%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 22.511 tỷ đồng, tương đương 805,29 triệu đơn vị.
Còn HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều tăng điểm với biên độ lần lượt 0,52% và 0,23%. Một số cổ phiếu tiêu biểu trên 2 sàn này là VCS (+4,9%), LAS (+3,6%), BSR (+5,2%) trong đó BSR đã lên đỉnh 2 năm sau khi giao dịch hơn 500 tỷ đồng.