VN-Index tăng 16 điểm, đóng cửa tại 1.300 điểm
Định vị thị trường
Sắc xanh xuất hiện nhiều hơn ở các thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch 12/6 với các chỉ số tăng điểm là TWSE (+1,18%), KOSPI (+0,84%), SHMCP (+0,31%), NIFTY 50 (+0,63%). Diễn biến khu vực do đó đã có phần thuận lợi hơn so với các phiên trước, trùng với vận động lình xình của VN-Index dưới mốc 1.300 điểm.
Thị trường Việt Nam đã không bỏ lỡ cơ hội với việc chỉ số tăng 1,23%, đóng cửa ngay mốc 1.300 điểm.
Chất xúc tác
Thực tế, các yếu tố lãi suất và tỷ giá chưa hề đảo chiều trở lại để dòng tiền có thể bùng nổ giao dịch trên thị trường chứng khoán. Theo thống kê từ Refinitiv Eikon, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục hướng lên ở nhiều kỳ hạn trong đó lãi suất qua đêm đã tăng tiếp 0,08% lên 4,57%.
Còn với tỷ giá, giá bán trên thị trường tự do vẫn nhích lên gần sát mốc 25.800 VND/USD. Cụ thể, giá bán ra sáng nay là 25.780 VND/USD.
Trong khi đó, thị trường còn đón nhận thêm thông tin iShares MSCI Frontier and Select EM ETF có thể bán hết danh mục cổ phiếu Việt Nam để dừng hoạt động. Điều này cũng lý giải cho việc khối ngoại đã bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 phiên giao dịch vừa qua.
Đà bán ròng của các quỹ ngoại đã thu hẹp trong phiên hôm nay nhưng vẫn còn khá cao, đạt hơn 600 tỷ đồng trên HOSE. Các mã FPT (-487 tỷ đồng), VHM (-185 tỷ đồng), VRE (-103 tỷ đồng) vẫn ghi nhận áp lực bán mạnh.
Vận động thị trường
Bất chấp việc bị khối ngoại bán mạnh nhất thị trường, cổ phiếu FPT (+4,3%) vẫn nhập cuộc tự tin ngay từ đầu phiên sáng nay. Cũng cần lưu ý rằng, FPT cũng chốt quyền nhận cổ tức 10% và cổ phiếu thưởng 15% trong phiên hôm nay.
Ngoài FPT, một số cổ phiếu Chứng khoán cũng tiếp tục hút tiền khá tốt sau khi đã có tín hiệu "nhấp nhổm" từ phiên hôm qua. Tuy nhiên, ảnh hưởng của các mã này khó làm thay đổi trạng thái lình xình của chỉ số đã thể hiện trong các phiên trước.
Thực tế, chỉ từ cuối phiên sáng và đầu phiên chiều, thị trường mới ghi nhận sự tự tin của dòng tiền. Đầu tiên là VPB với lệnh mua dồn dập giúp giá đảo chiều từ sau 11h. Sau 14h, VPB đã có pha chạy nước rút đầy ấn tượng và đóng cửa tại 19.400 đồng/cổ phiếu (+6%). Tổng giá trị giao dịch của VPB đạt hơn 1.300 tỷ đồng, chỉ xếp sau FPT (1.464 tỷ đồng).
Các mã Ngân hàng khác như MBB (+2,4%), HDB (+1,9%), ACB (+1,7%), VCB (+1,7%), LPB (+1,6%), TPB (+1,4%), EIB (+1,3%), OCB (+1,3%), BID (+1,2%) cũng đồng loạt tham gia hỗ trợ đà tăng cho VPB. Trong đó, VCB và BID là những mã đã gây ra khá nhiều lo lắng do mất xu hướng tăng.
Khi Ngân hàng đạt được sự đồng thuận, nhóm Chứng khoán cũng được củng cố thêm niềm tin. SSI (+2,2%), HCM (+1,7%) đóng cửa cao nhất phiên kéo theo VIX (+3,8%), VND (+1,7%), CTS (+1,4%) và MBS (+1,7%), SHS (+1,6%) trên HNX.
Dòng tiền chủ yếu chỉ tập trung vào các cổ phiếu kể trên nên khó tránh khỏi việc nhóm Midcap và Penny đã ít đi các cổ phiếu cá biệt. Dù vậy, vẫn có những mã tăng khá tốt như PAC (+6,89%), HHS (+4,94%), PNJ (+2,76%), REE (+2,42%), DGW (+2,64%), DPG (+2,24%), AAA (+2,22%), KDH (+2,02%). Sắc xanh áp đảo trên toàn HOSE với 62,5% mã tăng giá.
VN-Index sau nhiều phiên giằng co, cuối cùng đã vươn lên 1.300 điểm (+1,23%). Tổng giá trị giao dịch toàn HOSE đạt 23.268 tỷ đồng, tương đương 895 triệu đơn vị.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều đóng cửa trong sắc xanh nhưng với biên độ hẹp hơn, lần lượt tăng 0,77% và 0,18%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.200 tỷ đồng.