Bộ trưởng trả lời chung chung, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở
Là vị tư lệnh ngành thứ 2 trả lời chất vấn trước Quốc hội từ chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận được khá nhiều câu hỏi về tình hình chậm trễ ở các dự án điện Bạc Liêu, Cà Ná, Long Phú...
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đặt câu hỏi về vấn đề "khuất tất, lợi ích nhóm" liên quan đến dự án điện Cà Ná, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trách nhiệm trong dự án Điện Long Phú 1.
Trong khi đó, các đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu), Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), Nguyễn Thanh Vân (Cà Mau).... bày tỏ băn khoăn khi dự án diện Bạc Liêu đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc nhưng chưa thể triển khai từ 18 tháng qua.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Ảnh: ZIng.vn). |
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lý giải: Bộ đã khẩn trương và 2 lần báo cáo Chính phủ về bổ sung dự án vào quy hoạch điện lực. Mới đây nhất, tháng 9/2019, Bộ đã lấy ý kiến bổ sung và hoàn thiện báo cáo bổ sung gửi Chính phủ vào cuối tháng 10.
Tuy nhiên, câu trả lời của người đứng đầu ngành công thương bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho là "còn chung chung", chưa đi thẳng vào vấn đề cần được giải đáp.
Ngắt lời Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở: "Riêng về dự án điện Bạc Liêu - đề nghị Bộ trưởng cho biết bao giờ giải quyết, hiện rất chậm rồi, tới 18 tháng.
Các thủ tục đầu tư, ý kiến Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đủ. Giờ nói chung chung sẽ xem xét thì rất khó. Đây là dự án của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bộ trưởng cho biết từ giờ tới cuối năm có giải quyết được không?".
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh |
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, bản thân Bộ Công thương cũng rất mong muốn dự án được nhanh chóng thực hiện, vì thực tế đang thiếu điện và rất cần điện, nhưng không rõ thời điểm triển khai.
"Tôi chắc cũng không thể nói được thời điểm nào triển khai vì còn chờ Thủ tướng và thường trực Chính phủ cho ý kiến... Hy vọng sẽ vào đầu năm 2020, theo hiểu biết của tôi", Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đối với tất cả các dự án điện, một trong những nguyên tắc đầu tiên để xem xét tính khả thi và hiệu quả của dự án là yếu tố về giá thành điện sản xuất và tác động của nó trong tất cả khía cạnh.
Bộ Công thương đã ghi nhận giá điện sơ bộ khoảng 7 cent trong báo cáo tổng thể của dự án để báo cáo lên Chính phủ. Quy trình này sẽ được thực hiện rất nghiêm túc và công khai, các dự án phải cạnh tranh để được vào trong quy hoạch, không đánh giá hời hợt - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Việt Nam đối diện nguy cơ thiếu điện rất cao trong 2 năm 2019, 2020 Trước đó, trả lời chất vấn liên quan tới tiến độ một số dự án điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất cao trong năm 2019, 2020. Thậm chí, tới năm 2022, nguy cơ không có dự phòng tại những vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ là rất lớn. Ông Trần Tuấn Anh chỉ ra một trong những nguyên nhân lớn nhất là điều kiện bất lợi của thời tiết và tính cực đoan rất cao. Hầu như các thuỷ điện đang không đủ điều kiện để tích nước để đảm bảo điều kiện để phát điện công suất công suất theo được huy động. Ngoài ra, Việt Nam đang đối mặt với sự suy giảm của thị trường năng lượng sơ cấp do đang phải nhập khẩu một khối lượng than rất lớn. Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam phải nhập khẩu tới 20 triệu tấn than, năm 2025 dự kiến nhập khẩu tới 35 triệu tấn than. |