Bị 'chê' nhẹ tay với Dòng chảy phương Bắc 2, Bộ Ngoại giao Mỹ nói gì?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price vừa cho biết, các biện pháp trừng phạt mới mà Washington áp đặt đối với dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, sau báo cáo của Bộ Ngoại giao trước Quốc hội, chưa phải là "cái kết của câu chuyện".
Cụ thể, tại một cuộc họp báo, quan chức này nêu rõ: "Những gì chúng tôi đã trình lên vào 19/2 chưa phải là cái kết của câu chuyện" và nếu cần thiết, để đáp ứng yêu cầu của các nghị sĩ, Mỹ sẵn sàng thông qua "các biện pháp bổ sung" liên quan đến dự án nói trên.
"Chúng tôi sẽ thông qua mà không do dự" - ông Price cho biết thêm.
Công trình xây dựng đường ống thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc. Ảnh: AP/DPA |
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trình lên Quốc hội nước này báo cáo về các biện pháp đối phó với Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy nhiên, báo cáo không đề xuất các đối tượng trừng phạt mới liên quan đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 mà chỉ tập trung vào các biện pháp cấm vận cũ.
Cụ thể, báo cáo trình Quốc hội của Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập trừng phạt tàu rải ống của Nga là Fortuna, cùng chủ sở hữu con tàu là công ty KVT-RUS theo Luật An ninh năng lượng châu Âu (PEESA) mặc dù trên thực tế, vào thời điểm đó, cả hai đối tượng này đều đã nằm trong danh sách hạn chế theo một đạo luật khác là "Chống lại đối thủ của nước Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt" (CAATSA).
Một số nghị sĩ đã có ý kiến chỉ trích Bộ Ngoại giao là thực thi những bước không đủ mạnh để chống lại việc xây dựng đường ống sau báo cáo này.
Lệnh trừng phạt từ phía chính quyền Tổng thống Biden như vậy được đánh giá là có tính chất nới lỏng so với các biện pháp trừng phạt từ thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ban đầu dự kiến sẽ được đưa vào vận hành đầu năm 2020, với kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga so với Dòng chảy phương Bắc 1, vốn đã hoạt động từ năm 2012 và đảm bảo nguồn cung cấp cho các nước Tây Âu thông qua biển Baltic.
Đến nay, 94% dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã được hoàn thành và chỉ còn một đoạn đường ống dài khoảng 120 km ở vùng biển sâu ngoài khơi Đan Mạch và khoảng 28 km trong vùng biển của Đức. Tuy nhiên, việc lắp đặt các tuyến đường ống trên đã bị ngưng trệ do Mỹ đã thông qua các biện pháp trừng phạt đối với dự án vào tháng 12/2019 như một phần của Đạo luật Bảo vệ Năng lượng cho châu Âu (PEESA), yêu cầu các công ty chịu trách nhiệm đặt đường ống ngừng hoạt động.
Truyền thông Đức đánh giá dự án này là một trở ngại trong định hướng cải thiện quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden. Mặc dù vậy, vẫn chưa rõ iệu Tổng thống Biden có nhượng bộ hay không và nếu có thì sẽ nhượng bộ như thế nào.
Trong khi các nghị sỹ Mỹ kêu gọi chính quyền mới không từ bỏ chính sách cứng rắn của chính quyền tiền nhiệm với Dòng chảy phương Bắc 2 thì tới nay Đức vẫn không thay đổi lập trường cơ bản ủng hộ dự án này.