“Bão” đình công càn quét hai bờ Đại Tây Dương
Nguyễn Hằng 04/12/2022 09:27 | Chuyện đó đây
Tại Anh, phần lớn các tuyến đường sắt liên tục phải tạm dừng phục vụ hành khách trong những tháng gần đây. Cuộc đình công mới nhất diễn ra ngày 26/11 khi các thành viên nghiệp đoàn Aslef ngưng làm việc, ảnh hưởng đến dịch vụ của 11 công ty đường sắt trên cả nước, nhiều chuyến tàu phải hoãn hoặc hủy. Từ đầu năm, đã có hàng loạt cuộc bãi công trong ngành đường sắt Anh, trong đó phải kể đến cuộc đình công lớn nhất trong 30 năm diễn ra hồi tháng 6 với sự tham gia của hơn 40.000 nhân viên. Riêng ngày 25/6, chỉ 20% số chuyến tàu tại Anh vận hành so với bình thường. Đình công tiếp diễn giữa lúc lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 41 năm qua, trong tháng 10 đã tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021, và nguy cơ kinh tế rơi vào suy thoái.
![]() |
Hành khách rời khỏi tàu tại nhà ga Waterloo ở thủ đô London, Anh, khi các công nhân tiến hành đình công kêu gọi tăng lương, ngày 21/6/2022 (Ảnh: AFP/TTXVN). |
Thống kê cho thấy số chuyến tàu bị hủy trên toàn Vương quốc Liên hiệp Anh đã tăng lên mức cao kỷ lục, với hơn 314.000 chuyến tàu bị hủy hoàn toàn hoặc một phần trong 10 tháng đầu năm nay. Mới đây, một số nghiệp đoàn đường sắt lớn tại Anh với hàng nghìn thành viên tuyên bố sẽ tiếp tục đình công trong thời gian trước và sau dịp lễ Giáng sinh sắp tới, báo trước tình trạng gián đoạn hoạt động đi lại trước và sau kỳ nghỉ lễ.
Tại Hà Lan, chỉ trong vòng một tháng đã diễn ra hai cuộc đình công của công nhân đường sắt khiến Công ty đường sắt quốc gia NS phải hủy hầu hết dịch vụ. Để chấm dứt đình công, giới chủ lao động buộc phải chấp nhận thỏa hiệp với nghiệp đoàn công nhân đường sắt Hà Lan, qua đó tăng hơn 8% lương cho nhân viên trong vòng 18 tháng.
Tại Áo, nơi hiếm khi diễn ra đình công, hệ thống đường sắt trên cả nước đã tê liệt trong ngày 28/11, ảnh hưởng đến hàng triệu hành khách. Nghiệp đoàn đường sắt Vida cho biết các cuộc thương lượng tăng lương cho 50.000 nhân viên đường sắt đã không đạt được kết quả khi các nhà điều hành và nhân viên không tìm được tiếng nói chung về mức tăng lương. Vida muốn tăng 400 euro (415 USD)/người, thay vì mức 208 euro/người theo đề xuất của Phòng Kinh tế Áo nhằm đối phó với lạm phát đang ngày một leo thang, tăng tới 11% trong tháng 10 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, Vida muốn nhân viên đường sắt làm ca đêm có thu nhập tối thiểu từ 1.356 euro/tháng. Tương tự, các cuộc tuần hành của công nhân đường sắt cũng diễn ra tại nhiều nước khác ở châu Âu như Bỉ, Hà Lan, Hy Lạp,… khiến mạng lưới giao thông đường sắt rối loạn.
![]() |
Nhiều chuyên gia lo ngại làn sóng đình công có thể lan rộng. |
Tại Mỹ, đàm phán giữa lãnh đạo các nghiệp đoàn và giám đốc các công ty đường sắt đã bế tắc hơn 2 năm nay. Một số nghiệp đoàn vẫn phản đối thỏa thuận sơ bộ mà các công ty đường sắt và công nhân đã nhất trí hồi tháng 9 vừa qua, đồng thời đe dọa trở lại đình công. Tổng thống Joe Biden đề nghị Quốc hội Mỹ thực thi các quyền lập pháp hiếm khi được sử dụng để ngăn nguy cơ đình công lớn xảy ra trong ngành đường sắt. Mới nhất, ngày 1/12, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật buộc các nghiệp đoàn đường sắt phải chấp nhận thỏa thuận. Dự luật sẽ được chuyển tới Tổng thống Biden để ký ban hành. Khi luật này có hiệu lực, bất kỳ cuộc đình công nào cũng đều bị coi là bất hợp pháp và những người tham gia đình công có thể bị sa thải.
Theo Hiệp hội Đường sắt Mỹ, nếu các bên không đạt được thỏa thuận trước ngày 9/12, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chịu ảnh hưởng với gần 7.000 chuyến tàu chở hàng bị đình trệ, gây thiệt hại hơn 2 tỷ USD/ngày. Sự gián đoạn các tuyến đường sắt trên diện rộng sẽ làm đình trệ chuỗi cung ứng nhiên liệu và thực phẩm, gây rối loạn hoạt động vận tải và làm gia tăng lạm phát. Theo các cố vấn kinh tế của Tổng thống Biden, khoảng 765.000 người Mỹ có thể mất việc làm chỉ trong 2 tuần đầu tiên nếu ngành đường sắt ngưng hoạt động.
Nguyên nhân thúc đẩy làn sóng đình công lan rộng là bất đồng giữa nghiệp đoàn và giới chủ lao động về vấn đề tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc giữa lúc mức lương không theo kịp với lạm phát và áp lực công việc gia tăng. Phía nghiệp đoàn cho rằng mức lương tăng “quá nhỏ giọt”, hiện không đủ để người lao động trang trải cuộc sống, trong khi phía doanh nghiệp không muốn tăng lương cho lao động khi chi phí sản xuất gia tăng và nhu cầu của người dân giảm. Còn chính phủ lại lo ngại rằng việc tăng lương mạnh sẽ khiến lạm phát tăng thêm, dễ rơi vào “vòng xoáy tiền lương-giá cả” tăng theo nhau.
Đình công trong ngành đường sắt có nguy cơ khởi đầu một “mùa” đình công ở nhiều lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, bưu chính, viễn thông… Kịch bản này sẽ có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng xã hội khó lường, tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng ngày càng trầm trọng hơn, gia tăng sức ép giá cả trong bối cảnh các nền kinh tế vốn đang gặp phải hàng loạt khó khăn và triển vọng không mấy sáng sủa. Do đó, giới chuyên gia cho rằng chính phủ các nước nên ưu tiên trước hết giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, tập trung vào ổn định và tăng trưởng kinh tế.


Truyền hình

Ngắm hoa kèn hồng đẹp rạng ngời những con đường thành phố Hồ Chí Minh
Đáng chú ý
Gần 150 nghệ nhân, tài tử tham dự Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Long An mở rộng năm 2023

Bài viết mới
Những đơn vị tiền tệ nào có giá trị nhất thế giới?

Ghé thăm 5 quốc gia nhỏ nhất thế giới

Chuyên đề

Biểu tượng văn hóa của Việt Nam là hoa sen, của Nhật là hoa anh đào. Sự hòa hợp của nhân dân hai nước được ví như hòa hợp của hai loài hoa. Quan hệ hữu nghị của nhân dân sẽ bền vững, thực chất và hiệu quả khi bắt nguồn từ sự đồng cảm, hợp tác về văn hóa.

Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, nhưng hợp tác kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc luôn phát triển mạnh mẽ, thực chất, là điểm sáng và trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác hai nước.