Bắc Giang xuất khẩu gần 6.000 tấn vải thiều sang thị trường quốc tế
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, nhờ các giải pháp xúc tiến thương mại, trọng tâm là hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang kết nối, tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác để xuất khẩu vải thiều sang các thị trường quốc tế nên vải thiều Bắc Giang ngày càng đến được nhiều quốc gia.
Với hơn 20.000 tấn đã tiêu thụ thì hơn 14.000 tấn tại thị trường nội địa còn lại là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, châu Âu, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản... Trong đó, riêng thị trường Hoa Kỳ và châu Âu gần 50 tấn.
Bắc Giang xuất khẩu gần 6.000 tấn vải thiều sang thị trường quốc tế. (Ảnh minh họa) |
Theo ông Trần Quang Tấn, thời gian tới, các hoạt động xúc tiến tiêu thụ tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều doanh nghiệp đã khảo sát, ký hợp đồng với nhà vườn để thu mua, xuất khẩu vải thiều khi vào chính vụ.
Ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đánh giá, mặc dù sản lượng năm nay không tốt nhưng vải thiều Bắc Giang vẫn đạt được chất lượng cao nhất từ trước đến nay, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Để làm được điêu này, tỉnh đã thực hiện các biện pháp giám sát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu thu hoạch, ra sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Các cơ quan chuyên môn sẽ thường xuyên kiểm tra các lô hàng, lấy mẫu ngẫu nhiên để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chất bảo quản khác.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cũng đã thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc, cho phép theo dõi toàn bộ quy trình sản xuất và chế biến, từ vườn cây đến khi xuất khẩu, đảm bảo minh bạch và an toàn cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, các hộ trồng vải đã đầu tư và áp dụng các công nghệ bảo quản tiên tiến nhất hiện nay để kéo dài thời gian bảo quản và giữ nguyên chất lượng của vải thiều. Công nghệ bảo quản lạnh sâu, xử lý khí ethylene, và sử dụng màng bảo quản thực phẩm hiện đại giúp trái vải giữ được độ tươi ngon, màu sắc hấp dẫn và hương vị tự nhiên.
Sản phẩm đi vào phân khúc thị trường cao cấp càng khẳng định chất lượng vải thiều Bắc Giang, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng. Hiện nay, vải sớm đang được tập trung thu hoạch, giá bán dao động từ 25-70 nghìn đồng/kg, nhiều nhà vườn thu về hàng trăm triệu đồng. Thành quả này tiếp tục tạo động lực cho người trồng vải tập trung chăm sóc để tạo ra sản phẩm chất lượng ở mùa vụ tới.
Tỉnh Bắc Giang hiện đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu với diện tích gần 17.200 ha và 40 cơ sở đóng gói quả vải tươi xuất khẩu. Dự báo sản lượng vải toàn tỉnh năm 2024 khoảng gần 100.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều từ ngày 20/5; kết thúc cuối tháng 7/2024.
Để hỗ trợ tiêu thụ quả vải thiều, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong tỉnh chuẩn bị hơn 2.000 tỷ đồng cho khách hàng vay để chế biến, tiêu thụ vải thiều.
Theo đó, ngay từ đầu vụ, các chi nhánh ngân hàng thương mại trong tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch cân đối, ưu tiên nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận vay vốn thuận lợi nhất.
Một số ngân hàng chuẩn bị số vốn lớn như: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Bắc Giang II khoảng 600 tỷ đồng; TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Bắc Giang 500 tỷ đồng; TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Bắc Giang khoảng 400 tỷ đồng; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh tỉnh 80 tỷ đồng…
Quả vải Việt được ưa chuộng ở nhiều nước Quả vải tươi Việt Nam đã được xuất khẩu đi 7 nước gồm: Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Malaysia, Lào và Campuchia bằng đường hàng không trong tháng 5, 6 và đầu tháng 7. |
Vải thiều Việt Nam vào siêu thị lớn tại Thái Lan Ngày 12/7 tại Trung tâm thương mại Centralworld ở thủ đô Bangkok, tập đoàn bán lẻ Central Retail đã tổ chức sự kiện quảng bá trái vải thiều Việt Nam tại thị trường Thái Lan – nhằm giới thiệu trái vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) chính vụ, có thương hiệu, với đủ thông tin về chứng nhận GlobalGAP, tem chỉ dẫn địa lý, các logo nhãn mác đầy đủ… tới người dân Thái Lan. |