Ba đề xuất của VASEA nhằm tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam
Theo GS Nghiêm Đức Long, hiện có hơn 21.000 sinh viên Việt Nam đang học tập và tu nghiệp tại Australia. Có hơn 500 nhà khoa học, giảng viên và giáo sư đang nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu tại Australia.
GS Nghiêm Đức Long, Chủ tịch Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia, Giám đốc Trung tâm khoa học công nghệ nước và nước thải, ĐH Công nghệ Sydney, Australia. |
GS Nghiêm Đức Long nhấn mạnh, Quyết định số 1334/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án "Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới" là một khích lệ lớn với kiều bào.
Trong đó, khẳng định trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng đóng góp xây dựng phát triển bảo vệ đất nước. Chủ động tạo cơ chế môi trường thuận lợi cho trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, khuyến khích các hiệp hội chính thức được nước sở tại công nhận hỗ trợ.
Nhằm đóng góp trong việc tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và hợp tác với các tổ chức tại Việt Nam, "Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA) sẽ dùng nguồn lực trí thức và mạng lưới chuyên gia của mình, để đồng hành cùng đồng nghiệp tại Việt Nam nghiên cứu ứng dụng, giải quyết các vấn đề mới phát sinh của đất nước và trên thế giới. Cụ thể, trong các lĩnh vực: chuyển đổi số, thị trường carbon, môi trường và kinh tế xanh, truyền tải kiến thức kỹ năng mới.
VASEA sẵn sàng làm cầu nối để sinh viên nghiên cứu tiến sỹ từ Việt Nam tìm được giáo sư hướng dân phù hợp nhất. Trong thời gian tới VASEA cũng sẽ các mở các khóa học ngắn hạn và bài giảng về Việt Nam tập trung vào các vấn đề mới.
Để đạt được những mục tiêu này, GS Nghiêm Đức Long cho rằng:
Thứ nhất, tạo cơ chế để trí thức Việt có trở về Việt Nam đóng góp cho quê hương ngắn hạn và dài hạn, được phép nhận lại quốc tịch Việt Nam.
Thứ hai, cho phép thành lập các chương trình thỉnh giảng, hợp tác nghiên cứu ngắn hạn để các nhà khoa học Việt tại nước ngoài làm việc với trường đại học và doanh nghiệp trong nước. Đề nghị xem xét một cơ chế đặc biệt để tận dụng vai trò tư vấn khoa học từ các giáo sư người Việt đầu ngành tại các nước trên thế giới.
Thứ ba, đầu tư một dự án thí điểm, mở một trường đại học trực tuyến tại Việt Nam với giáo án, bài giảng, và hướng dẫn khoa học từ các giáo sư Việt Nam trên toàn thế giới.
“VASEA sẵn sàng đi tiên phong và đóng góp những giáo trình đầu tiên. Đây là một bước đi đột phá để Việt Nam nhanh chóng có một trường đại học hàng đầu thế giới”, GS Long chia sẻ.
VASEA hiện có hơn 500 thành viên trên tất cả các bang và vùng lãnh thổ tại Australia. Kể từ khi thành lập, VASEA đã có nhiều đóng góp đồng hành cùng các tổ chức tại Việt Nam và các sự kiện trực tuyến. Cụ thể: Hội thảo “Con đường giảm carbon: Từ hiệu quả năng lượng đến các nguồn năng lượng thay thế” tại Hà Nội (năm 2023), diễn đàn Tăng trưởng Xanh tại TP.HCM (năm 2023)… Chỉ trong hơn một năm qua, các thành viên của VASEA đã thực hiện hơn 15 dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và kết hợp đào tạo với Việt Nam như: ứng dụng internet vạn vật và cảm biến thông minh để theo dõi chất lượng nước biển ven bờ cho nuôi trồng thủy sản tại vịnh Xuân Đài Phú Yên, mắt thần theo dõi và hỗ trợ phát triển cây mía đường, cảm biến từ xa để đối phó với lũ lụt, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số…. |