Anh chính thức bác bỏ kiến nghị trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit
Trước đó, trong cuộc trưng cầu hôm 23/6, 17,4 triệu cử tri tương ứng 52% trên tổng số người đi bầu đã chọn ủng hộ Brexit. Kết quả này cũng đã được hầu hết giới chính trị gia Anh chấp nhận.
Những người còn lại đã ký đơn thỉnh nguyện lên chính quyền, yêu cầu thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 trong trường hợp số người ủng hộ rời khỏi hay ở lại EU ít hơn 60% trên tổng số người dân đi bỏ phiếu dưới 75%.
Tuy nhiên, bất chấp đơn kiến nghị thu được hơn 4 triệu chữ ký ủng hộ, chính phủ Anh tuyên bố rằng luật pháp nước này không quy định giới hạn tỷ lệ tối thiểu người dân đi bỏ phiếu, cũng như tỷ lệ cử tri ủng hộ.
Biểu ngữ phản đối Brexit xuất hiện trong cuộc tuần hành hôm 2/7 ở Thủ đô London của Anh. (Ảnh: Reuters)
“Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã khẳng định rõ ràng rằng, đây là cuộc trưng cầu dân ý chỉ tiến hành một lần duy nhất, và quyết định cuối cùng phải được tôn trọng”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Anh nhấn mạnh.
Theo cơ quan nói trên, điều cần thiết lúc này đối với chính phủ Anh là chuẩn bị cho tiến trình Brexit, trong đó chính phủ cam kết sẽ “đảm bảo kết quả tốt nhất có thể cho người dân trong các cuộc đàm phán” sắp tới với Liên minh châu Âu.
Ý kiến này đã nhận được sự đồng thuận từ 2 ứng viên sáng giá nhất thay thế cho Thủ tướng Anh David Cameron: Bộ trưởng Nội vụ Theresa May và Bộ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom.
Cả bà May và bà Leadsom đều cho rằng, không nên đề cập tới kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, mà phải tập trung vào tiến trình chuyển giao Brexit một cách nhanh chóng.
Mặc dù vậy, một số cử tri đã bỏ phiếu chọn việc “ở lại” vẫn tiếp tục nuôi hy vọng rằng sẽ có cách nào đó để Anh tiếp tục là thành viên của EU, bất chấp trưng cầu dân ý.
Trọng Sang