50 năm Việt Nam - Canada: Người bạn tin cậy, đối tác thân thiết
Theo Tổng lãnh sự Behzad Babakhani, sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam – Canada phát triển trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, kinh tế thương mại, hợp tác trong các vấn đề quốc tế. Đặc biệt từ khi xác lập Quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2017, quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển nhanh chóng và bền chắc.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN. Mỗi năm Canada nhập khẩu khoảng 11 tỷ USD các sản phẩm từ Việt Nam, nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Canada gồm dệt may, giày dép các loại, hàng thủy sản, máy vi tính, phương tiện vận tải và phụ tùng.
Ở chiều ngược lại, chỉ tính riêng trong năm 2022, xuất khẩu của Canada sang Việt Nam đã tăng gần 40%.Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Canada gồm lúa mỳ, đậu tương, phân bón các loại, thức ăn gia súc và nguyên liệu, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác.
Trong hoạt động đầu tư, tính đến tháng 7/2023, Canada đầu tư trực tiếp vào Việt Nam 253 dự án với tổng vốn đăng ký là 4,84 tỷ USD. Từ năm 1990, viện trợ phát triển ODA mà Canada dành cho Việt Nam có trị giá khoảng 2 tỷ USD Canada.
Tại Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Canada kết hợp Gặp gỡ Canada, Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) và CanCham đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (Ảnh: Thế giới & Việt Nam). |
“Canada và Việt Nam cũng đã cùng nhau vượt qua những thử thách, chẳng hạn như đại dịch toàn cầu mà lúc đó Canada đã đóng góp đáng kể cho các nỗ lực quốc tế. Và tất nhiên không thể không nhắc đến vai trò hàng đầu của Canada trong cuộc chiến chung chống biến đổi khí hậu của nhân loại. Bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu của Canada và tôi biết đó cũng là ưu tiên của nhiều người bạn của chúng tôi tại Việt Nam”, Tổng lãnh sự Behzad Babakhani cho biết.
Vị Tổng lãnh sự Canada bày tỏ nhiều tin tưởng vào hành trình 50 năm tiếp theo của quan hệ Việt Nam - Canada, theo đó, hai nước tiếp tục là những người bạn đáng tin cậy và đối tác thân thiết.
“Tôi biết chúng ta sẽ thành công nhờ các sáng kiến như Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nhưng quan trọng nhất là nhờ nỗ lực của các bạn, những đại sứ và những người bảo vệ thực sự cho quan hệ Canada - Việt Nam”, ông Behzad Babakhani nói.
Cùng ngày, Diễn đàn Hợp tác Năng lượng Sạch Canada-Việt Nam đã được Tổng Lãnh sự quán Canada tại TP.HCM phối hợp với Hội đồng kinh doanh Canada - ASEAN tổ chức. Một số giải pháp hợp tác trong lĩnh vực này đã được các chuyên gia thảo luận.
Chẳng hạn, về công nghệ thu giữ, sử dụng, lưu trữ và tái chế carbon (CCUS), phía Canada đã triển khai nhiều dự án lưu trữ CO2 hiệu quả, điển hình như dự án Aquistore tại Nhà máy Nhiệt điện Boundary Dam (tỉnh Saskatchewan, Canada). Theo các chuyên gia Việt Nam, việc phát triển và ứng dụng công nghệ này ở Việt Nam đang gặp nhiều thử thách, yêu cầu phải qua các bước thử nghiệm, thí điểm ở quy mô lớn, nguồn vốn đầu tư cao.
Dù vậy, liên quan tới vấn đề tài chính, Canada sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ trong 3-5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam. Đây là nguồn tài chính nằm trong khuôn khổ thỏa thuận đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng - JETP mà Việt Nam ký kết với các nước G7.
Trước đó, ngày 20/8, tại Thảo Cầm Viên, TP.HCM, Tổng lãnh sự Babakhani cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng các đại diện chính quyền Việt Nam, các tổ chức, đơn vị tặng học bổng cho 1.400 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các học sinh tiêu biểu của hai nước.
Cũng trong sự kiện này, Tổng Lãnh sự quán Canada và Hiệp hội Doanh nghiệp Canada tại Việt Nam đã trao tặng bức tượng Inukshuk - biểu tượng của người Inuit, Canada để đánh dấu tình hữu nghị thân thiết và bền chặt của hai nước.