Ý nghĩa lịch sử cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ
Khai mạc triển lãm kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa Sáng 19/11, Ban Tổ chức Kỷ niệm các ngày lễ lớn TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm Kỷ niệm 80 năm ... |
Văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh và ý nghĩa thời đại Hoà bình thế giới đang đứng trước nhiều thách thức an ninh gay gắt cả truyền thống và phi truyền thống. Bên cạnh xung đột ... |
Ảnh tư liệu |
Diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm lục tỉnh Nam Kỳ năm 1867 đến thời điểm đó.
Tuy thất bại nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân ta.
Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ “là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Ðông Dương”[1]. Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện sức mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của Nhân dân các tỉnh Nam Bộ trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Chính vì lẽ đó, ngày 14/11/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh 163-SL tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho Đội quân khởi nghĩa Nam Bộ năm 1940. Đó là sự khắc ghi của dân tộc đối với công lao và sự hy sinh của quân và dân Nam Kỳ.
Từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, nhiều cán bộ của Đảng được rèn luyện, thử thách. Sau khởi nghĩa, một đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng của Ðảng, gương mẫu chiến đấu hy sinh vì quyền lợi của dân tộc, của Nhân dân đã trưởng thành và đảm đương những trọng trách mà Đảng ta giao phó về sau. Từ đây, có hàng vạn quần chúng Nhân dân yêu nước được thử thách trong đấu tranh, tiếp tục đi theo Ðảng thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc tiến tới giành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ mang tính chất một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tính nhân dân rộng rãi và sâu sắc. Đó là minh chứng sinh động cho chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu của Ðảng với phương pháp đấu tranh vũ lực là hoàn toàn đúng đắn và sáng tạo. Ðồng thời, khởi nghĩa Nam Kỳ cũng là cơ sở thực tiễn để Đảng ta hoàn thiện con đường chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Từ kinh nghiệm các cuộc khởi nghĩa ở Bắc Sơn, Nam Kỳ, binh biến Ðô Lương, Đảng đã có những bước đi cẩn trọng, chu đáo trong đánh giá, xác định thời cơ, chuẩn bị lực lượng... đi tới giải phóng toàn dân tộc.
Với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, từ trong quá trình chuẩn bị và diễn ra, lần đầu thiết chế “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” được đề cập trong truyền đơn rải ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và tiêu ngữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” được viết trên các băng zôn treo trước trụ sở các ủy ban cách mạng ở Long Hưng, Vĩnh Kim (Mỹ Tho). Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh xuất hiện trong khởi nghĩa Nam Kỳ đã trở thành biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân, biểu tượng của tinh thần và ý chí đấu tranh cách mạng của Nhân dân. Cờ đỏ sao vàng năm cánh sau đó đã được Ðảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn làm biểu tượng của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh và đến ngày 9/11/1946 được ghi chính thức trong Hiến pháp, thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ hai (khóa I).
Bài học kinh nghiệm từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ
Khởi nghĩa Nam Kỳ là thực tiễn sinh động về phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân và để lại những bài học quý báu như: Là bài học về cụ thể hóa đường lối của Đảng phù hợp với thực tiễn địa phương, phải đặt địa phương trong mối tương quan với cả nước và có sự phối hợp khởi nghĩa giữa các địa phương trong cả nước.
Một trong những nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ là vì chưa được đặt trong sức mạnh chung của toàn quốc; Là bài học về công tác chuẩn bị các điều kiện cần và đủ cho một cuộc khởi nghĩa nổ ra có thể giành được thắng lợi, đặc biệt là chuẩn bị về lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang và khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh du kích, xây dựng và kiểm tra kế hoạch, phát hiệu lệnh khởi nghĩa;
Cũng là bài học về xây dựng đội quân chủ lực, xác định rõ các lực lượng phối hợp của cuộc khởi nghĩa và đánh giá đúng vai trò của các lực lượng. Lực lượng vũ trang của binh lính là quan trọng nhưng quyết định vẫn là quần chúng công nông;
Là bài học về việc giữ vững sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và quần chúng; không ngừng xây dựng lực lượng cách mạng trong quần chúng; khơi dậy và nhân lên sức mạnh vĩ đại từ sự đồng tâm, hiệp lực của quần chúng.
Cuối cùng là bài học về tính khoa học của kế hoạch lãnh đạo khi tiến công và thoái thủ; dự trù các phương án thắng - thua và khả năng giải quyết nếu khởi nghĩa thất bại; kế hoạch rút lui bảo toàn cơ sở và lực lượng.
Phát huy tinh thần Nam Kỳ khởi nghĩa trong giai đoạn hiện nay
Kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa diễn ra vào thời điểm toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta đang thi đua lập thành tích chào mừng Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng; phát huy tinh thần và những bài học kinh nghiệm của Cuộc khởi nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các cấp, các ngành cần nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đất nước, trọng tâm.
Tập trung xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nhất là không ngừng nâng cao trí tuệ, năng lực hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược cách mạng khoa học và sáng tạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng giai đoạn đổi mới. Nghiên cứu, phân tích, nhận định tình hình thế giới và trong nước, nắm chắc, tận dụng thời cơ đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân thành nguồn sức mạnh và động lực to lớn để tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh tổ chức các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước trong từng thời kỳ nhằm tích cực phát huy vai trò của quần chúng Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tăng cường củng cố, xây dựng lực lượng quốc phòng - an ninh vững chắc, trong đó chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; đồng thời, chú trọng công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động phá hoại, đánh cắp thông tin, bí mật nhà Nước của các thế lực thù địch, phản động, gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng; đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tổ chức Đảng thực sự tiên phong, gương mẫu, trước hết là người đứng đầu; làm cho Nhân dân tin yêu và gắn bó máu thịt với Đảng. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào tự soi, tự sửa theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nâng cao chuẩn mực đạo đức, ý thức trách nhiệm, tác phong công tác cho cán bộ, đảng viên.
Khai mạc triển lãm kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa Sáng 19/11, Ban Tổ chức Kỷ niệm các ngày lễ lớn TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm Kỷ niệm 80 năm ... |
Văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh và ý nghĩa thời đại Hoà bình thế giới đang đứng trước nhiều thách thức an ninh gay gắt cả truyền thống và phi truyền thống. Bên cạnh xung đột ... |
Phong tục ở rể nhiều ý nghĩa của người Dao Tục ở rể là một trong những phong tục tập quán truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam, thường gặp nhất ở ... |