Xuyên đêm trẩy hội và mưu sinh ở chùa Hương
Chùa Hương trong đêm mang vẻ đẹp tĩnh mịch, yên bình. (Ảnh: Hà Thanh)
Trong đêm xuân tĩnh lặng, hàng ngàn du khách đổ về chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) dâng lễ, thắp hương và cùng nhau du xuân.
Chọn trẩy hội đêm tránh chen lấn
Từng đoàn người tụ hội về đây từ đêm hôm trước đợi giờ khai hội chính chùa Hương vào ngày mùng 6 tết (tức ngày 21/2).
Ghi nhận của phóng viên, giá vé tham quan thắng cảnh năm nay là 80.000 đồng/người, giá đò xuôi dòng suối Yến là 50.000 đồng/lượt/người.
Dù đêm đã muộn, từng đoàn du khách vẫn đến trẩy hội chùa Hương. (Ảnh: Hà Thanh)
Suốt 12 năm qua, bà Đặng Mai Hạnh (57 tuổi, Hà Nội) cùng đoàn 47 người đều lựa chọn thời điểm buổi đêm đến trẩy hội chùa Hương.
"Tầm này đi vắng, không bị tắc đường chứ ban ngày không len nổi. Mỗi năm đi lễ thì thấy điểm mới, người dân ý thức hơn và ban tổ chức rút được kinh nghiệm hơn. Cứ đến đầu năm là phải đi chùa Hương", bà Hạnh nói.
Người dân, du khách thập phương đổ về chùa Hương dâng lễ đầu năm. (Ảnh: Hà Thanh)
Theo nhóm của bà Hạnh, du khách đến chùa Hương càng ngày càng đông, có thời điểm bị quá tải, cần tăng cường thêm nhiều thùng rác thân thiện vì lượng rác thải đổ ra nhiều.
"Chưa kể, lượng khách đổ về nhiều, nhưng giá vé thắng cảnh càng ngày càng đắt. Chúng tôi dân đi làm không sao, chỉ mong ban quản lý giảm giá vé giúp người lao động nghèo, ở xa có thể đến đây trẩy hội" nhóm này góp ý.
Cũng lựa chọn thời điểm đêm để du xuân chùa Hương, bà Phạm Thị Mỵ (60 tuổi) lặn lội từ Hà Nam đến đây.
"10 năm qua dự lễ, chỉ thích không gian đêm vì yên tĩnh, cả hàng ngàn người kéo đến đây ban ngày nên các phật tử như chúng tôi thích chọn thời điểm này để lễ lạt" bà Mỵ chia sẻ.
Những người lao động nghèo mưu sinh trong mùa lễ hội. (Ảnh: Hà Thanh)
Mưu sinh mùa lễ hội
Đêm xuống, từng tốp phụ nữ, đàn ông quẩy quang gánh lên chùa gánh gồng hàng hóa cho những cửa hàng bày bán tại phía trước chùa.
Đó là công việc của những người lao động nghèo suốt chục năm qua. Ăn cơm tối xong, khoảng 20h là những người lao động này gồng gánh đến 23h đêm.
Bùi Minh Hiến, năm nay tròn 30 tuổi, nhưng có đến 10 năm mưu sinh bằng công việc này.
Những gánh hàng này có cân nặng 50kg. Họ phải gánh từ ngoài bến đò đến động Hương Tích mới nhận được 100.000 đồng/lượt tiền công. (Ảnh: Hà Thanh)
"Gánh vất chứ, toát hết cả mồ hôi ra nhưng chúng tôi tranh thủ gánh thuê mấy hôm lễ hội. Tròn 10 năm rồi đó, chúng tôi gánh thuê qua "đầu cai" (tức đầu mối - PV) họ ghi phiếu 140.000 đồng/lượt, nhưng chỉ được 100.000 đồng/lượt gánh". Hiến cho biết có khoảng chục người ở Kim Bôi, Hòa Bình là quê anh đến đây làm thêm.
Những người phụ nữ cũng gồng gánh hàng lên chùa. (Ảnh: Hà Thanh)
Thở hổn hển vì vừa leo từng bậc thang, đôi vai trĩu nặng gánh thêm 50kg hàng hóa, ông Bùi Văn Luyện (40 tuổi, Hòa Bình) phải nghỉ giữa chừng, siết chặt lại đôi quang gánh cho đỡ tuột hàng. Ông nói, làm nghề này cũng ngót nghét 4 năm rồi, mỗi lượt từ 50.000 đến 100.000 đồng, góp nhặt thêm trong mùa lễ hội này.
Một cụ già ngoài 80 tuổi được con cháu dẫn đi trẩy hội chùa Hương trong đêm. (Ảnh: Hà Thanh)
Ban tổ chức cho biết, năm nay lễ hội chùa Hương 2018 là mốc quan trọng vừa kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Di tích thắng cảnh Hương Sơn vừa là dịp đón nhận bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt.
Khu chính hội sẽ khai mạc vào sáng mùng 6 Tết. (Ảnh: Hà Thanh)
Năm nay sẽ có khoảng 4.500 đò tham gia phục vụ du khách, dự kiến đón khoảng 1,5 triệu lượt khách đến lễ chùa và du lịch.
Theo Tuổi trẻ