Xa Hà Nội nhớ trà đá vỉa hè…
Người nhớ về những ngóc ngách phố cổ chật chội, khó thở, nhộn nhạo nhưng lại có sức ám ảnh đến từng nơ-ron thần kinh trong não, người lại nhớ về những là bờ Hồ, là cà phê trứng nâu sóng sánh, là những cô gái Hà Thành giọng Bắc Kỳ nho nhỏ dễ thương, mong manh, tinh tế.
Người thì nhớ cái ẩm thực tinh túy không thể trộn lẫn ở bất kì miền nào, đất nước nào ngoài Hà Nội, nào những là phở, là xôi, là bún, là miến, là trăm nghìn món đồ ăn níu lòng người muốn đi, giữ chân người đang ở…
Có một nỗi nhớ giản dị hơn, “phàm tục” hơn mà ai cũng chí ít một lần được nhìn thấy, được ngồi đó, thưởng thức nó và nhớ nó. Nỗi nhớ đó không cầu kì như trăm ngàn món ăn thượng thặng chốn kinh kỳ, những món ăn đã được nâng lên tầm tinh hoa ẩm thực, không gây nhói lồng ngực phía bên trái như cách ai đó nhớ về những cô gái Hà Thành, không gây ám ảnh sâu sắc như vẻ đẹp xưa cũ của phố cổ Hà Nội, nhưng nó mang trong mình một dư vị bình dân của Hà Nội. Mặc kệ Thủ đô đang ngày ngày thay da đổi thịt hiện đại hóa công nghiệp hóa…
“Nó” vẫn ở đó, thản nhiên giữa cái hiện đại, cái công nghệ đang ăn sâu vào ý thức và hành vi của thị dân. Nó đường hoàng chễm chệ khắp phố phường, khắp ngõ ngách. Nó hiên ngang trường tồn cùng thời gian mặc kệ những là văn minh tiến bộ của “Sờ ta bấc” (Starbucks), của những là “hai lần cốp phi” (Highland Coffee) đang thị uy khắp các con phố lớn...
Nó là ai mà “cả gan”, ngông ngênh đến thế? Nó có tên là: Trà đá vỉa hè…
Cái món đồ uống bình dân đến dễ dãi này không biết đã có mặt ở chốn kinh kỳ này bao lâu, người viết cũng chưa từng có ý định tìm hiểu nguyên quán của trà đá.
Chỉ biết là từ bé, những ấm trà mạn của bố đã uống cả tuổi thơ của người viết, hơn 30 năm sống trên đời đã uống không biết bao nhiêu cốc trà này, không biết bao nhiêu quán quen quán lạ ở bất kì vùng miền nào trên dải đất hình chữ S…
Trà đá nó giống như hơi thở, khi thở là một việc quá quen đến mức người ta chẳng đoái hoài đến nó thì khi khó thở người ta mới nhận ra “à, thì ra mình đang sống, thì ra việc khó thở thật tệ!”.
Trà đá cũng vậy. 10 năm về trước, nó có giá 1.000 đồng/cốc, một cái giá rẻ đến nỗi người uống khó có thể cầu kì đòi một loại đồ uống phải ngon, phải bổ.
Loại trà để pha ở các quán vỉa hè cũng chẳng phải cao cấp “đặc sản” kiểu chè Thái Nguyên, bởi tiền ít thế sao “hít” được của thơm, chè chỉ tầm vài chục nghìn 1 cân. Chủ quán thường là các mẹ các chị nhà ở trong ngõ, một là bán trà đá “gia truyền” ở cái ngõ đó từ rất lâu rồi. Một là chưa hoặc không có nghề nghiệp, nhân lúc hoang mang vật lộn với cơm áo gạo tiền liên xoay ngay ra nghề trà đá kiếm cơm.
Một cái ghế dài, vài cái ghế nhựa, thậm chí vài cục gạch như chơi đồ hàng, dăm ba cái hộp nhựa đựng kẹo lạc, kẹo dồi, một cái hộp kính đựng thuốc lá, vài chai nước ngọt… đặc sản thêm có thể là trà bát bảo, nhân trần, nước vối… nhưng món chính “tuyệt đỉnh” vẫn là trà đá. Chính vì thế mà người ta chẳng thể gọi quán vỉa hè đó một cái tên nào khác ngoài cái tên “quán trà đá”.
Khách của quán là ông "xe ôm" đầu ngõ, bác thương binh lái xe giữa trời nắng nóng quá vào làm một cốc rồi lại phóng xe hòa vào phố thị mưu sinh, là lũ sinh viên hẹn nhau ở cổng trường hoặc trốn học không biết đi đâu vì không có tiền thì ra trà đá ngồi… làm gì chả hiểu. Là mấy anh công sở không thích cà phê sang chảnh sau giờ tan tầm thì ra trà đá “tập tọe” bắn một bi thuốc lào rồi say quay đơ, là các cụ ông ngồi đánh cờ rủ rỉ chiêm nghiệm về tình đời, về nhân sinh quan của những con người đã sắp đi đến hết hành trình sống… Nhiều lắm!
Trà đá mang trong nó quá nhiều nỗi niềm của đa dạng những loại người sống ở phố thị. Đủ loại hỉ nộ ái ố họ dốc ruột ra kể, mệt quá lại làm cốc trà đá, lạnh quá thì làm cốc trà ấm. Cứ mùa này qua mùa kia, chuyện chẳng bao giờ kết thúc.
Nó dông dài từ cơm áo gạo tiền đến đại sự quốc gia, nó gói lại cả những bức bí của bao nỗi niềm gia đình hiện đại, với những là mẹ chồng - nàng dâu, những là đàn ông trụ cột, những là tương lai của con trẻ. Nó gồng gánh tất cả những câu chuyện từ khách cho đến chủ, những con người bình dân đang vật lộn với cơm áo thị thành…
Chẳng thế mà mặc kệ những máy bay, tên lửa, sao hỏa, mặt trăng, mặc kệ những “Ben lì” “Pót chờ” đang bóng loáng lướt vèo vèo trên phố, mặc kệ biệt thự, “rì sọt” và hàng hiệu ngàn đô, trà đá vẫn cứ là phải ở vỉa hè, nhất định phải ngồi ở vỉa hè để nhâm nhi dù cho bụi tung cả vào cốc. Kệ! Họ uống cả một “văn hóa” ấy vào miệng, đã khát, đã đời như chết đuối vớ được cọc, như buồn ngủ gặp chiếu manh và như khát khô gặp trà đá…
Xa Hà Nội, cả một niềm nhớ mênh mang, quặn thắt. Có một miền nhớ nhỏ nhẹ nhưng khiến ta xao lòng, đó là nỗi niềm với trà đá vỉa hè…
Xem thêm
Văn hóa công cộng của người Việt: Cấm thì mặc kệ... biển cấm Các tấm biển báo cấm dường như vô dụng với không ít người dân phố thị, điều này cũng thể hiện phông văn hóa kém ...
|