Người Việt từng chỉ xưng hô tao - mày
Không chỉ ở Việt Nam, phụ nữ châu Á nói chung đều đi học “nghệ thuật chăn gối” "Tứ đại đồng đường" Gia đình có hạnh phúc khi phụ nữ là “trụ cột”? |
Người Việt sử dụng nhiều đại từ cho ba ngôi thứ nhất, thứ hai và thứ ba, ví dụ: "tôi", "ta", "tao", "tớ", "mày", "anh", "em", "chị", "cô", "chú", "bác", "ông", "cụ", "nó"… Trong khi đó, các ngôn ngữ khác, đại từ nhân xưng đơn giản. Ví dụ, tiếng Anh có “I” và “you”, ngôi thứ ba có “he”, “she”, “it”, cũng số nhiều của ba ngôi đó. Tiếng Hán cũng có ba ngôi thông dụng: “ủa”, “nỉ” và “tha”.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng, người Việt từng có cách xưng hô phổ biến hai ngôi “tao” và “mày” duy nhất. Nhận định này được ông nêu ra trong bài viết Tao mày in trong cuốn Nghệ thuật ngày thường tập 2.
Xưng hô "tao", "mày" từng phổ biến như thế nào?
“Nghe những người thiểu số nói chuyện, tôi thấy hai ngôi tao mày duy nhất cũng được dùng phổ biến, điều này cũng thấy cách đây ba bốn mươi năm ở các tỉnh từ Thanh Hóa đổ vào trong”, Phan Cẩm Thượng viết.
Bộ sách Nghệ thuật ngày thường. |
Ngoài việc chênh lệch tuổi tác, có quan hệ họ hàng các ngôi vẫn phức tạp, nhưng với quan hệ bình thường, việc dùng “tao” và “mày”, nói là “tau” và “mi” rất phổ biến. Cha mẹ nói với con cái, anh em gần tuổi nói với nhau, đàn ông đàn bà cùng trang lứa… tất cả phổ biến là “mi” và “tau”.
Phan Cẩm Thượng cho rằng đó là ngữ âm cổ của người Việt, thấy khắp từ Thanh Hóa đến xứ Quảng. Ông nhận định: “Tôi nghi ngờ rằng vào một thời xưa nào đó người Việt cũng chỉ dùng phổ biến đại từ nhân xưng đơn giản tao và mày, rồi vì một lý do nào đó, thời nào đó, cách thức xưng hô thay đổi theo chiều hướng gia đình hóa cho tới hiện nay”.
Không chỉ là cách thức xưng hô phổ biến trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, cách xưng hô nay đi vào văn bản. Phan Cẩm Thượng dẫn một văn bản tại hội nghị giải quyết những bất đồng liên quan đến thuật ngữ Kito giáo bằng tiếng Việt, do quyền Giám sát dòng Tên hai vùng Trung Nhật triệu tập tại Macao năm 1645.
Giáo sĩ Francisco de Pina. |
Hội nghị đưa ra mô thức rửa tội bằng tiếng Việt có viết: “Tau rữa mâi nhân danh Cha ùa Con, ùa spirito santo” (tao rửa mày nhân danh Cha và Con, và spirit santo). Văn bản này có trong cuốn Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam (Đinh trọng Tuyến và Đinh Bá Truyền biên soạn).
Ở đây, việc xưng hô giữa cha xứ và con chiên được nói bằng hai ngôi “Tau” (tao) và “Mâi” (mi, mày). “Ngày nay, nếu một đức cha mà xưng mày - tao với con chiên trong nhà thờ thì quả là không ổn, nhưng điều đó cho thấy có thời việc xưng hô hai ngôi đơn giản là rất phổ biến ở Đàng Trong, nhất là xứ Quảng Nam, nơi cha Francisco de Pina được coi là người đầu tiên dùng chữ Latin phiên âm tiếng Việt”, Phan Cẩm Thượng viết.
Không chỉ trong văn bản của những người truyền giáo, việc xưng hô hai ngôi “mày”, “tao” còn lưu dấu trong nhiều văn bản lưu truyền trong dân gian. Phan Cẩm Thượng trong quá trình nghiên cứu, điền dã dân gian đã bắt gặp những văn bản như vậy.
Thầy chùa và Phật tử cũng xưng hô "mày", "tao"
Trong bản in khắc gỗ ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lực, được khắc bằng chữ Nôm và chữ Hán song song (khắc năm 1752), có những câu như: “Bây chừ mày trong phép tao, tuồng có duyên xưa”, nghĩa là: “Ngươi đã được theo học phép thuật của ta, dường như là có duyên từ trước”.
Hoặc câu: “Ngày hôm nay nghe, hợp bằng lòng mày thửa nguyện”, nghĩa là: “Hôm nay được nghe Kinh, như ngươi thường mong ước”. Hay câu: “Thầy rằng mày đã nên phép nhà tao” (Thầy nói rằng ngươi đã học được phép thuật của ta). "Tao đáp nhà mày một áng sức vậy" (Ta giúp nhà ngươi một sức vậy).
Văn bản này được coi là in khắc lại một văn bản từ thế kỷ 15. Nội dung đối thoại giữa sư Khâu đà la và cô đệ tử Man Nương, sau này Khâu Đà La vô tình bước qua Man Nương khi cô ngủ ngoài bậc cửa, nên cô động mình mà có thai. Nên trong văn bản có câu: “Tao cùng mày chưng ấy lăng, chẳng hay sao lỗi ắt lại” (Ta với nhà ngươi không có chuyện gì, chẳng hay lỗi ấy từ đâu ra)…
Điều đo cho thấy, cho đến năm 1752, việc xưng hô giữa thầy chùa và Phật tử cũng là “mày” và “tao”. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đặt giả thuyết, việc phiên âm chữ Nôm trong văn bản này cũng theo lối mới, nếu đúng ở thế kỷ 15, cách xưng hô lúc đó có lẽ vẫn là “tau” và “mâi”.
Tác giả Phan Cẩm Thượng. |
Không chỉ lần theo những vết dấu trong cách xưng hô của người Việt cổ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng còn tìm cách lý giải vì sao lối xưng hô cũ đã đổi thay. Ngày nay, cách xưng “mày”, “tao” không còn là hai ngôi phổ biến duy nhất nữa, thay vào đó người Việt dùng những đại từ nhân xưng trong quan hệ gia đình đem ra xã hội.
“Người ta cho rằng, sau những cuộc chiến tranh ác liệt thời Trần và thời Lê với quân Nguyên Mông và quân Minh, người Việt phải đi sơ tán trong toàn quốc, người sơ tán và người địa phương phải coi nhau như người nhà, nên gọi nhau là anh em, chú bác, đồng bào”, Phan Cẩm Thượng đặt giả thuyết.
Thời Lê sơ bắt đầu coi trọng Nho giáo, lấy lễ nghĩa cương thường làm rường mối xã hội, quan hệ xã hội trở nên phức tạp dần và nhiều nghi lễ, tập tục, kết quả là một cách xưng hô mới trong tiếng Việt dần hình thành.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cũng đánh giá ngôn ngữ là hiện tượng rộng rãi trong cộng đồng dân tộc, nó thay đổi, bổ sung và mất đi liên tục theo các trào lưu xã hội hàng ngày.
Nghệ thuật ngày thường là bộ sách hai tập, trong đó, tác giả dùng góc nhìn nghệ thuật để nói về vẻ đẹp trong những sinh hoạt, tập tục ngày thường của người Việt, từ đó cho thấy giá trị văn hóa dân gian. Phan Cẩm Thượng (1957) là một nhà nghiên cứu văn hóa uy tín hàng đầu hiện nay, đặc biệt là lĩnh vực mỹ thuật, văn hóa dân gian của người Việt. Ông nghiên cứu nghệ thuật, từng dạy học, viết báo và viết sách về nghệ thuật. Ông từng xuất bản những công trình mang tính hàn lâm, uy tín như Điêu khắc cổ Việt Nam, Đồ họa cổ Việt Nam, Điêu khắc Tây Nguyên, Chùa Dâu - Tứ Pháp, Chùa Bút Tháp… Những công trình này có tính nền tảng để dạy, học, mở ra các hướng nghiên cứu tiếp theo. |
XEM THÊM
Từ "Việt Nam phong tục" nhìn lại phong tục Việt Nam Ngoài giá trị tư liệu, khảo cứu đã được khẳng định suốt một thế kỷ qua, có thể xem công trình của Phan Kế Bính ... |
Những phong tục bình thường ở Việt Nam nhưng lại khiến khách nước ngoài sửng sốt Việt Nam là đất nước nghìn năm văn hiến với nền văn hóa đậm tín ngưỡng phương Đông và có nhiều tập tục của đất ... |
9 phong tục cưới hỏi kỳ lạ trên thế giới, phong tục số 9 làm nhiều người thà ở vậy còn hơn Đám cưới là ngày ý nghĩa nhất với nhiều cặp đôi. Nhưng với những phong tục cưới hỏi độc đáo, thậm chí là kinh dị ... |