Vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị hai bên biên giới Việt Nam - Lào
Cán bộ BĐBP Hà Tĩnh tổ chức tuyên truyền về bảo vệ đường biên, cột mốc cho bà con hai bên biên giới (Ảnh: Thanh Giang/ Báo Biên phòng). |
Mùa rẫy năm nay, ông Tít Viêng Kiêng Thà Vì (57 tuổi) - Trưởng bản Na Pê, huyện Khăm Cợt liên tục ra đồng và đến từng nhà động viên con cháu cùng một số hộ gia đình trong bản phải nhanh ra đồng, tích cực lên nương sớm với quyết tâm hoàn thành việc xuống giống lúa, giống ngô để còn kịp thời gian sang thăm Việt Nam. Lần này, trở về cố hương, ngoài việc dự lễ kỷ niệm sơ kết 8 năm ký kết nghĩa giữa bản Na Pê và xã Sơn Kim 2, ông còn tranh thủ thăm thân và động viên mọi người trong đoàn tranh thủ tham quan các mô hình trồng cam, bưởi, chăn nuôi lợn gà, đào ao nuôi cá của bà con xã Sơn Kim 2 để học hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất.
Ông Tít Viêng Kiêng Thà Vì chia sẻ: “Tôi là người Lào gốc Việt (thế hệ thứ 2), cha mẹ tôi sang đây từ làng Chè, xã Sơn Kim 2. Cũng như gia đình tôi, ở bản Na Pê này có hơn 90% người dân mang trong mình dòng máu Việt. Tất cả bà con ở đây đều chịu khó làm ăn, nên không còn cảnh thiếu đói, có cuộc sống đủ đầy, có đường sá to đẹp và là bản có các hộ gia đình nhiều nhà hai tầng nhất trong 9 bản giáp biên giới của huyện Khăm Cợt. Đặc biệt, bà con chúng tôi luôn hướng về cố hương bằng cách chung sống thuận hòa, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, có ý thức vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Lào và Việt Nam”.
Lãnh đạo UBND xã Sơn Kim 2 hỗ trợ bản Na Pê 50 tấn xi măng để bản xây dựng các công trình đường giao thông nông thôn và nhà văn hóa (Ảnh: Thanh Giang/ Báo Biên phòng). |
Được đón những người láng giềng đặc biệt đến thăm quê, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Sơn Kim 2 cũng đã có sự chuẩn bị chu đáo, tổ chức đón tiếp trọng thị trong một bầu không khí vui tươi, ấm cúng, thắm tình đoàn kết. Sau hơn 2 năm không gặp nhau vì đại dịch Covid-19, nay họ lại được nắm chặt tay, mừng rỡ hỏi thăm nhau từ tình hình sức khỏe, mùa màng, dịch bệnh, đến những đổi thay của hai vùng quê ven biên giới. Họ cùng nhau nghe những lời ca, xem những điệu múa ngợi ca hai Đảng, hai dân tộc, các vị lãnh tụ kính yêu và những người con đã anh dũng hi sinh vì nền độc lập, tự do của hai nước.
Sau những đêm ca hát, nhảy múa điệu lăm vông, uống rượu cần, họ lại hướng dẫn nhau cách làm ăn, cách sửa chữa máy móc, nông cụ và trao đổi thông tin, hỗ trợ các lực lượng chức năng trên biên giới trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, ngăn ngừa các loại tội phạm và tệ nạn xã hội... Ngoài ra, Đảng bộ và nhân dân xã Sơn Kim 2 cũng đã trao tặng bản Na Pê 50 tấn xi măng để xây dựng nhà văn hóa và các công trình phúc lợi khác.
Không chỉ trong dịp kỷ niệm này, tình cảm giữa hai bên mới được bồi đắp, vun vén bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa, mà nó đã gắn bó, bền chặt, khăng khít từ khi hai đơn vị tổ chức ký kết nghĩa.
Ông Cù Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 cho biết: “Sau 8 năm ký kết nghĩa, cả hai địa phương thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của mỗi nước, nhất là về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, hiệp định, quy chế biên giới. Thông qua hoạt động tuyên truyền đã giúp nhân dân hai bên có ý thức, trách nhiệm trong việc tham gia cùng BĐBP Việt Nam và các lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn Lào bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự vùng biên của mỗi nước, góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.
Bà con nhân dân bản Na Pê vui ngày Tết cổ truyền Việt Nam tại Trạm quân dân y bản Thoọng Pẹ, Lào (Ảnh: Thanh Giang/ Báo Biên phòng). |
Cùng với nhân dân, cán bộ, chính quyền và các lực lượng chức năng hai bên cũng đã hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong thực thi công vụ để kịp thời phát hiện và phối hợp giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp mới phát sinh, bảo vệ đường biên và cột mốc nguyên trạng. Hai bên thường xuyên giúp đỡ nhau trong việc trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở tại các thôn, bản và thực hiện các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thăm hỏi, tặng quà... để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe...
Ông Cù Mạnh Tuấn cho biết thêm: “Thời gian tới, hai địa phương sẽ tiếp tục phối hợp vận động bà con thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của mỗi nước; thi đua lao động sản xuất giỏi, ăn ở hợp vệ sinh, chủ động và thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh, thiên tai; vận động nhân dân xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực hai bên biên giới”.