VUFO kêu gọi các nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Phi Yến)
Đây là một hoạt động của Dự án “Tăng cường năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại Đồng bằng Sông Cửu Long” do Quỹ AFV thực hiện. Hội nghịđược tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (Bftw) và ActionAid Việt Nam (AAV) đồng tài trợ. Nghiên cứu này được thực hiện trong tháng 8-9/2017 tại ba huyện: Chợ Mới - tỉnh An Giang, huyện Kế Sách - tỉnh Sóc Trăng và TP. Trà Vinh - tỉnh Trà Vinh.
Tham dự hội nghị có ông Đôn Tuấn Phong, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch chuyên trách kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài (PCP NN); ông Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Phan Anh Sơn, Ủy viên Ban thường vụ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp, Trưởng ban Ban Điều phối viện trợ nhân dân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại nhân dân Việt Nam; ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh An Giang, ông Phan Huỳnh Sơn, Phó Chủ tịch Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang.
Hội nghị cũng ghi nhận sự tham dự của gần 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN-MT), Uỷ ban sông Mekong; Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị 13 tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), các nhà khoa học và các tổ chức trong nước và quốc tế như ActionAid, WWF, GIZ,...
Ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Phi Yến)
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng thư ký Liên hiệp nhấn mạnh: Tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, ĐBSCL là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt đang phải đối mặt với những hậu quả trực tiếp như sạt lở bờ sông, bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn, sụt lún, thay đổi hệ sinh thái,...
Ông cũng nhấn mạnh ngày 17/11, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó đề cập đến vấn đề huy động các nguồn lực tham gia thực thi nhiệm vụ này.
Theo ông Đôn Tuấn Phong, huy động nguồn lực là một trong những điểm nghẽn trong việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, bởi vậy, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam quyết định phối hợp với Bộ TN-MT, UBND tỉnh An Giang, quỹ AFV tổ chức hội nghị, nhằm chia sẻ, trao đổi thông tin, thảo luận về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, góp phần cùng Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương trong khu vực ĐBSCL tìm ra những giải pháp tháo gỡ cụ thể, hiệu quả.
Theo ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với An Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung, bởi đây là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, việc xây dựng các đập thủy điện, điều chỉnh dòng chảy ở các nước lân cận.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo, tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và Ban Điều phối Viện trợ nhân dân về tình hình tác động của biến đổi khí hậu đối với ĐBSCL, những thách thức đặt ra trong quá trình phát triển, những kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt là trong ứng phó ở cấp cộng đồng, và kinh nghiệm huy động các nguồn lực tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sau phần tham luận, các đại biểu đã tham gia thảo luận, đóng góp, đề xuất ý kiến về các vấn đề xoay quanh chủ đề hội nghị.
Dự kiến sáng ngày 28/11 các đại biểu sẽ tham gia chuyến tham quan thực tế về mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Phi Yến