Vụ nữ sinh bị đánh hội đồng: Các nước trị bạo lực học đường thế nào?
Gần đây, bạo lực học đường có xu hướng ngày càng tăng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam với sự việc đang gây phẫn nộ: Nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị nhóm bạn lột đồ, đánh hội đồng đến mức phải nhập viện tâm thần.
Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở học sinh nam mà còn cả ở học sinh nữ; không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên và giáo viên với học sinh...
Bạo lực học đường diễn ra với mức độ ngày càng nhiều và dày đặc. Nguồn: ANTD.VN |
150 triệu học sinh 13-15 tuổi từng bị bạo lực học đường
Năm 2016, dòng tin trên WeChat của người phụ nữ Trung Quốc có con trai bị bắt “tự quấn giấy vệ sinh đã sử dụng lên đầu của mình” ở trường đã nhanh chóng lan truyền khắp mạng xã hội.
Trường học của con trai cô ấy, một trong những trường xịn nhất Bắc Kinh, đã phớt lờ, xem đó chỉ như một “trò đùa tinh quái vô hại giữa những đứa trẻ”. Nhưng nhanh chóng sau đó, một loạt báo cáo về những trò bắt nạt ác ý và dã man hơn tại các trường học khác đã được công bố.
Giới quan chức Trung Quốc đã nhanh chóng vào cuộc, thông qua một đạo luật chống bạo lực học đường ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Vì thế, hiện nay, chính sách chống bạo lực học đường của Trung Quốc nằm trong số những chính sách khắt khe nhất thế giới. Tại một quận ở Bắc Kinh, các trường công buộc phải báo cáo các vụ bắt nạt, bạo lực học sinh cho giới chức trách ngành giáo dục ở địa phương trong vòng 10 phút khi phát hiện.
Theo một báo cáo do UNICEF công bố tháng 9/2018 , một nửa số học sinh từ 13 đến 15 tuổi trên toàn thế giới – ước tính khoảng 150 triệu – cho biết đã từng bị bạo lực bởi các bạn đồng trang lứa ngay trong nhà trường và ở các khu vực xung quanh trường học.
Cụ thể, trên toàn cầu, cứ 3 em học sinh trong độ tuổi 13-15 thì có hơn 1 em từng bị bắt nạt, và tỷ lệ học sinh tham gia đánh nhau cũng gần như vậy. Cứ 10 sinh viên tại 39 quốc gia công nghiệp thì có 3 em thừa nhận đã từng bắt nạt bạn.
Báo cáo cũng ghi nhận rằng bạo lực liên quan đến sử dụng vũ khí trong trường học, chẳng hạn như dao và súng, vẫn tiếp tục xảy ra và cướp đi nhiều sinh mạng. Báo cáo cũng cho biết trong một thế giới kỹ thuật số ngày càng gia tăng, những kẻ chuyên đi bắt nạt đang phổ biến nội dung bạo lực, gây tổn thương và xúc phạm người khác chỉ với một cái nhấp chuột.
Những hình ảnh bạo lực học đường trên mạng internet. |
Luật chống bạo lực học đường
Hầu hết các nước phát triển đều có đều có luật chống bạo lực học đường, chẳng hạn: Hàn Quốc ban hành luật chống bạo lực, bắt nạt học đường (2004); Australia có Khuôn khổ An toàn Trường học Quốc gia (2003) để thúc đẩy cách tiếp cận mang tính quốc gia về vấn đề bạo lực học đường; Phần Lan thực hiện Luật giáo dục cơ bản, theo đó khẳng định mọi học sinh có quyền học tập trong môi trường an toàn; Thụy Điển có Luật chống phân biệt đối xử (2009) và Luật giáo dục (2010) cấm mọi hình thức phân biệt đối xử và bắt nạt trong trường học; Philippines ban hành Luật chống bắt nạt, yêu cầu mọi trường tiểu học và trung học phải có các chính sách ngăn ngừa, trừng phạt bạo lực học đường…
Tại Anh, tất cả các trường công kể từ năm 2006 được yêu cầu phải áp dụng một chính sách chống bạo lực toàn trường. Đến năm 2015, mỗi bang ở Mỹ đã có luật chống bạo lực. Các bang có các quy định khắt khe nhất như Massachusetts yêu cầu nhân viên trường học phải báo cáo tất cả các vụ bắt nạt cho hiệu trưởng và hiệu trưởng phải “ngay tức khắc thực hiện một cuộc điều tra”.
Hàn Quốc lại có những hành động, giải pháp quyết liệt như điều cảnh sát tới tuần tra các trường học nhằm ngăn chặn kịp thời, hỗ trợ nạn nhân và thu thập thông tin về các băng nhóm bạo lực có tổ chức. Hiệu trưởng các trường học “được lệnh” có thể đình chỉ ngay các trường hợp những học sinh bạo lực, giáo viên che giấu sẽ bị xử lý vô cùng nghiêm khắc. Mỗi trường học của Hàn Quốc được bố trí thêm 1 giáo viên giám sát học sinh các giáo viên có trách nhiệm mỗi học kỳ tư vấn cho học sinh 1 lần/học kỳ, và gửi báo cáo cho phụ huynh học sinh. Nhà trường sẽ lưu hồ sơ xử lý bạo lực học đường trong thời gian 5 năm đối với cấp tiểu học, THCS, 10 năm với cấp THPT kể từ khi tốt nghiệp.
90% các trường học tại Phần Lan đều áp dụng một chương trình phòng chống bạo lực học đường mang tên KiVa. Nó được xem là một trong các chương trình ngăn chặn bạo lực học đường thành công nhất trên thế giới, dựa trên những nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề bạo lực tại trường học và cơ chế của nó. Ngoài việc sử dụng các biện pháp nhằm nâng cao vai trò của gia đình và nhà trường, KiVa đặc biệt tập trung lắng nghe và khuyến khích tiếng nói của những đứa trẻ là người đứng ngoài chứng kiến những vụ bạo lực tại trường học; giúp các em nâng cao sự đồng cảm và giúp đỡ các bạn là nạn nhân của các vụ bạo lực học đường. KiVa yêu cầu mọi nhân viên và giáo viên trước khi đứng lớp phải trải qua khóa đào tạo bắt buộc về chống bạo lực học đường. Ngoài Phần Lan, KiVa hiện còn được áp dụng tại một số trường học tại Bỉ, Estonia, Hà Lan, New Zealand và Anh.
"Hộp thư giải sầu" chống bạo lực học đường
Cũng có những phương pháp khác. Mỗi lớp học ở Trường Rhiw-Bechan tại Wales cho lắp “hộp thư giải sầu” cho học sinh để báo cáo các vụ bắt nạt mà không phải tiết lộ danh tính. Tương tự, ở Malawi – một quốc gia nhỏ tại châu Phi, các trường học cũng lắp đặt hộp “hạnh phúc và nỗi buồn” để học sinh có thể “mách” nhà trường về các hành vi bắt nạt; bị thày cô hành hạ hay bắt làm việc nhà cho thày cô…
Cần sự chung tay để loại bỏ vấn nạn bạo lực học đường. Nguồn: Internet |
Công nghệ Al đối phó bắt nạt học đường
Hà Lan áp dụng Kindertelefoon - một dịch vụ trực tuyến ẩn danh giúp học sinh dưới 18 tuổi thảo luận hàng loạt vấn đề mà các em quan ngại, gồm bạo lực và bắt nạt học đường. Thông qua webiste, trẻ còn có thể tâm sự trực tuyến với tình nguyện viên được đào tạo bài bản.
Mới đây nhất, thành phố Otsu (miền Tây Nhật Bản) vừa công bố kế hoạch sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo Al để dự đoán mức độ nghiêm trọng của các vụ bắt nạt học đường, Japan Today đưa tin.
Cụ thể, công nghệ AI sẽ được ứng dụng để phân tích 9.000 vụ nghi bắt nạt ở các trường tiểu học và trung học tại thành phố Otsu trong 6 năm qua và sẽ phân tích những thông tin như: địa điểm, khung giờ, trường học, giới tính thường xảy ra bắt nạt, diễn biến của các vụ việc, xử lý của nhà trường…và các yếu tố khác như việc vắng học và thành tích học tập, trước khi đưa ra báo cáo cho các giáo viên.
Dựa vào kết quả này, trong năm 2019, thành phố sẽ tiến hành dữ liệu hoá cùng với các ý kiến của chuyên gia để tìm ra được những biện pháp đối phó hiệu quả.
Các trường học tại Otsu cũng đã được yêu cầu báo cáo các vụ bắt nạt trong vòng 24 giờ. Thành phố cũng lập một văn phòng thúc đẩy các biện pháp đối phó nạn bắt nạt và đã triển khai nhân viên chuyên trách đến các trường.
Vừa qua, ngày 26/3, EBS - kênh truyền hình giáo dục số 1 tại Hàn Quốc đã cùng Bộ GD&ĐT Việt Nam và kênh Truyền hình giáo dục quốc gia VTV7 ký kết biên bản ghi nhớ về việc tuyên truyền, cải thiện tình trạng bạo lực học đường. Theo đó, hàng loạt các biện pháp phòng chống bạo lực học đường được triển khai thành công tại Hàn Quốc sẽ được chuyển giao và thực hiện tại Việt Nam. Trong đó có những chương trình từng gây tiếng vang như “Hope in Class”, chiến dịch phòng chống bạo lực học đường bằng lời nói. Đài Truyền hình giáo dục EBS sẽ cung cấp các chuyên gia, kịch bản và các ấn phẩm truyền thông liên quan cho Trung tâm sản xuất các chương trình giáo dục – Kênh VTV7. Trung tâm sản xuất các chương trình giáo dục – Kênh VTV7 tổ chức sản xuất, Việt hóa và hoàn thiện các sản phẩm đủ điều kiện để phát sóng, hỗ trợ truyền thông. |
Xem thêm
Vụ nữ sinh lớp 9 bị lột đồ, đánh hội đồng: Đình chỉ hiệu trưởng và giáo viên (TĐO) - Sau vụ việc nữ sinh lớp 9 bị đánh hội đồng dã man ở Hưng Yên, hiệu trưởng đã bị đình chỉ, cơ ... |
Thông tin bất ngờ về cô giáo mầm non để gần chục học sinh đánh hội đồng 1 bé trai ở Ninh Bình Theo cô Lan Anh - Giáo viên điều hành trường mầm non Rainbow Kindergarten, bản thân giáo viên bị phản ánh được nhiều giáo viên ... |
Yên Bái: Nữ sinh lớp 10 bị nhóm bạn đánh hội đồng dã man, nhiều học sinh chỉ đứng nhìn không can ngăn Trong giờ ra chơi, 4 nữ sinh tập trung đánh một nữ sinh khác ngay trong lớp trước sự chứng kiến của rất nhiều người. ... |