Giải quyết vấn nạn bạo lực học đường - cần sự chung tay của cả cộng đồng
Phụ huynh đến tận trường đòi công bằng cho con vì trở thành nạn nhân của bạo lực học đường đang gây xôn xao mạng xã hội. (Ảnh cắt từ clip) |
Những năm gần đây, vấn nạn bạo lực học đường trở nên nhức nhối ở tất cả các cấp học, không chỉ xảy ra với học sinh nam mà thậm chí ngay cả ở học sinh nữ. Đây cũng là mối quan tâm lo lắng của toàn xã hội khi thực tế này diễn ra ngày càng nhiều trong các trường học trên toàn quốc.
Mới đây, vụ việc bạo lực học đường diễn ra tại trường Quốc tế ISHCMC-AA, TP.Hồ Chí Minh đã gây xôn xao dư luận.
Cụ thể, chị T.H.T là phụ huynh có con em đang theo học tại ngôi trường này đã bức xúc tố cáo hành vi bạo lực của một học sinh nữ cùng trường. Đáng nói, thái độ thách thức của học sinh nữ đánh 4 bạn học sinh cấp dưới cùng trường đã làm cho cộng đồng mạng hết sức phẫn nộ.
Những dấu vết của bạo lực học đường với con chị T. và 3 bạn khác tại trường quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh cắt từ clip) |
Thực tế, có rất nhiều nạn nhân của bạo lực học đường đã và đang âm thầm chịu đựng những nỗi đau thể xác và tinh thần bởi nhiều nỗi sợ như: sợ xấu hổ, sợ bố mẹ biết, sợ bị trả thù… Điều này càng khiến cho những đối tượng sử dụng bạo lực học đường gia tăng thêm hành vi của mình.
Số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục & Đào tạo cho thấy, trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau.
Với từ khóa “bạo lực học đường” trên thanh công cụ Google, chỉ trong 0,44 giây cho ra 629.000 kết quả. Điều đó phần nào phản ánh mức độ “phổ biến” đáng báo động của hiện tượng này. Chỉ đơn giản là vì những cái nhìn “đểu”, lời qua tiếng lại, hay sự trêu đùa quá trớn mà nhiều em học sinh nhẹ thì bị xé quần áo, chửi bới, nặng hơn là lãnh những trận đòn tập thể thừa sống thiếu chết, thậm chí có những em phải ra đi mãi mãi khi mái đầu còn xanh, để lại bao ước vọng của tuổi trẻ.
Đấy chỉ là những nỗi đau về thể xác, còn những nỗi đau về tinh thần khó chữa lành, có thể đi theo các em đến hết năm tháng cuộc đời. Bởi không ít nạn nhân của bạo lực học đường không được bảo vệ kịp thời đã bỏ học, sa ngã. Thậm chí, nhiều em bị trầm cảm, sang chấn tâm lý, luôn sống trong cảm giác sợ hãi, bị cô lập… Đáng buồn hơn, những người đã gây ra bạo lực học đường lại chính là những người bạn chung ghế nhà trường cùng các em và cả những người chứng kiến bạo lực nhưng thay vì ngăn cản hành vi xấu lại thờ ơ, vô cảm, dùng điện thoại quay clip tung lên mạng để câu like.
Bạo lực học đường luôn là vấn đề nhức nhối đối với ngành giáo dục và gây nhiều hệ lụy xã hội. Chúng ta đã có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu bạo lực học đường song chưa cho thấy hiệu quả rõ nét. Để giải quyết tình trạng này, đòi hỏi sự chung tay với tinh thần trách nhiệm rất cao cả từ phía gia đình, nhà trường và xã hội, nhằm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng tốt hơn.