Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà - chung hay riêng?
Hành trình "săn" ảnh mùa cá cơm ở Phú Yên Lợi nhuận nhiều từ nghề nuôi yến kèm theo những phiền toái Thế và lực của vùng liên kết du lịch biển |
Cùng với xu hướng mở rộng diện tích di sản thiên nhiên thế giới để cùng hưởng lợi ích mà một thắng cảnh tự nhiên có thể mang lại, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) hiến kế thành lập liên minh Hạ Long - Cát Bà. Đây là một hạng mục quan trọng trong tiến độ chuẩn bị hồ sơ tái đề cử Di sản thiên nhiên thế giới mở rộng bao gồm vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà. Bên cạnh đó, việc quản lý du lịch cũng như các khuyến nghị về rác thải tại Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - Cát Bà là các mục tiêu quan trọng.
Hướng đến 2 mục tiêu này, liên minh Hạ Long - Cát Bà đã mở nhiều cuộc hội thảo và định hướng trước thềm mùa du lịch hè 2019. Đó cũng chính là 2 vấn đề trọng điểm mà 2 khu du lịch thường mắc phải. Một là việc quản lý các tàu du lịch và dịch vụ trên vịnh Hạ Long và Cát Bà không đồng bộ. Từng xảy ra việc tranh chấp, mất an toàn, hoặc là những lệch chuẩn không đáng có khi 2 vùng du lịch hoạt động không có sự ăn khớp về hành trình, kết cấu tuyến du lịch biển. Thứ 2, vấn đề xử lý rác thải trên vịnh luôn phải đặt lên hàng đầu vì đó là sự sống còn của một khu du lịch biển nằm bên cạnh 2 trung tâm kinh tế đô thị, cảng biển của miền Bắc là Quảng Ninh và Hải Phòng.
Vùng vịnh Lan Hạ thuộc quần đảo Cát Bà, Hải Phòng (Ảnh: TTH). |
Các chuyên gia nhận định, tổng lượng nước thải từ các tàu du lịch tại Hạ Long thải ra lên tới 502m3/ngày. Vùng vịnh Hạ Long lặng sóng và êm đềm, khả năng tồn đọng nước thải làm chết và tiêu diệt rạn san hô, hệ sinh thái thực vật động vật ven bờ rất dễ xảy ra. Năm 2019, Hải Phòng phấn đấu hoàn chỉnh hồ sơ khoa học đề xuất Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long mở rộng sang quần đảo Cát Bà theo 4 tiêu chí: Địa chất, địa mạo, đa dạng hệ sinh thái, đa dạng giống loài. Đầu năm 2020, hồ sơ này sẽ trình UNESCO.
Vì vậy, đưa ra nguy cơ cảnh báo về sự suy giảm dẫn tới mất dần đa dạng sinh học là việc cần làm ngay. Muốn bảo tồn được nguyên vẹn các giá trị của di sản thiên nhiên, nhằm phát triển kinh tế - xã hội thì trước hết, phải bảo vệ được môi trường du lịch văn minh, hệ sinh thái xanh. Hơn nữa, hiếm có khu du lịch nào sở hữu cả cặp rừng - biển như Cát Bà. Vườn quốc gia Cát Bà được đánh giá là có hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới đặc sắc, bên cạnh vịnh Lan Hạ trong xanh và hệ thống núi đá trên mặt nước ngoạn mục không kém gì vịnh Hạ Long.
Cần phải quản lý trước khi hệ sinh thái bị mai một - các chuyên gia tư vấn nhận định. Xét về nguồn gốc ngay từ khi thành lập Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, UBND huyện Cát Bà, thành phố Hải Phòng đã xác định nhiệm vụ của cơ quan này sẽ phối hợp với Đồn Biên phòng Cát Bà, Phòng Tài nguyên Môi trường, Vườn quốc gia Cát Bà sắp xếp và quản lý quy hoạch các bè nuôi hải sản trên vịnh Lan Hạ. Tuy nhiên, cùng với thời gian, các bè nuôi xuất hiện ngày càng nhiều ở những vụng, áng, chỗ các bóng núi rải rác trên vịnh. Vì cơ chế quản lý mặt vịnh không khắt khe như đối với Di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long nên ô nhiễm rác thải tại Cát Bà trở nên cấp bách hơn. Chất thải từ lồng bè nuôi, phao xốp (loại dùng để nâng bè nuôi trên mặt vịnh), chất thải nhựa đang tràn lan trên mặt biển.
Các du khách thăm vịnh Lan Hạ đã từng phản ánh, có những buổi sáng, sau một đêm ngủ trên mặt vịnh, họ ngỡ ngàng thấy phao xốp trôi trắng mặt vịnh. Một bè lồng nuôi hải sản nào đó đã dỡ bè ngay trong đêm do làm ăn thua lỗ và hải sản chết. Đáng nói là các tình nguyện viên dọn rác trên biển nhận định, rác thải trôi dạt từ vịnh Cát Bà sang vịnh Hạ Long rất nhiều do hướng gió và thủy triều dâng. Bản thân vịnh Hạ Long đã chịu đựng nguồn nước thải và chất thải nhựa quá tải, thêm rác từ các vùng lân cận thì dọn dẹp là không xuể.
Sự đa dạng của khu rừng nhiệt đới ẩm trên đảo được coi là báu vật của Cát Bà. Trong khi đó, hành trình khám phá rừng chưa thực sự hấp dẫn. Nếu vòng tour được khép kín với vịnh Hạ Long - Tuần Châu - Cát Bà thì du khách có thể tận hưởng một sản phẩm du lịch đa dạng và hoàn hảo với các hoạt động đi bộ trên rừng, ngắm cảnh vịnh, vào hang động, tắm biển và sử dụng dịch vụ du lịch cao cấp. Liên minh Hạ Long - Cát Bà là một giải pháp cấp thiết để các vùng du lịch liên kết và nâng nhau lên.
Cần thiết phải có một cơ chế quản lý đồng bộ giữa Hải Phòng và Quảng Ninh về việc khai thác di sản thiên nhiên và bảo vệ nó dưới dạng một ban quản lý chung đủ mạnh và có chế tài quản lý. Tất cả nhằm mục tiêu tạo ra một môi trường du lịch văn minh, đời sống xã hội, dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư sống nhờ biển, ngư dân được bảo vệ, không xâm hại di sản và tiến tới mục tiêu chung về phát triển vùng kinh tế du lịch trọng điểm của phía Bắc.
Xem thêm
Một Hạ Long hoàn toàn khác lạ những năm đầu thập niên 90 Một Hạ Long hoàn toàn khác lạ trong bộ ảnh hiếm hoi của những năm đầu thập niên 90, khi mà du lịch vẫn chưa ... |
Những cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam Dọc theo đường biển từ Bắc vào Nam du khách sẽ đi qua nhiều cung đường đẹp như tranh vẽ. |
“Biển đói” do ai? (bài 2) “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” - đây là câu nói dân gian, nhưng đúng với tình trạng khan hiếm nguồn lợi thủy ... |
“Biển đói” do ai? “Biển đói” là một cụm từ cửa miệng của ngư dân. Nguồn lợi thủy sản không phải vô tận, mấy chục năm qua, tình trạng ... |