“Biển đói” do ai? (bài 2)
Bài 2: “Ma trận” nghề hủy diệt nguồn lợi
“Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” - đây là câu nói dân gian, nhưng đúng với tình trạng khan hiếm nguồn lợi thủy sản của biển hiện nay. Hàng chục năm qua, có nhiều loại hình khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, từ bờ đến vùng khơi. Đến bây giờ, “biển đói” là một lẽ tất yếu, do chính chúng ta gây ra.
Một thời, chính quyền một số địa phương ven biển đã lấy “thành tích” phá rừng ngập mặn, đào ao nuôi tôm, nuôi cá, nuôi cua... giống như một phong trào mạnh của xã, huyện, tỉnh. Đến bây giờ, bờ biển bị xâm thực nghiêm trọng, “ngôi nhà” của các nguồn lợi thủy sản ven bờ bị cạn kiệt, các ao nuôi tôm để không, thì họ mới giật mình và suy nghĩ lại đã “sai lầm”. Quá trễ rồi.
Thuyền giã nhũi kết hợp xung điện có ở khắp các tỉnh, thành phố ven biển, chuyên hoạt động tại đầm, vịnh, eo biển với mức nước từ 1-5m. Trong ảnh: Giã nhũi ở vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: Hải Luận). |
“Đốt nhà” của cá, tôm
Đi từ Trà Cổ, tỉnh Quảng Ninh dọc ven biển đến Xà Xía, Kiên Giang, gần như họ đã hoàn thành “nhiệm vụ” phá rừng ngập mặn. Có còn chăng chỉ một vài khu ở vị trí nhạy cảm hoặc thuộc vùng sinh quyển, vườn quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt. Rừng ngập mặn có tác dụng bảo vệ bờ biển, là nơi sinh sản, phát triển của nhiều loài thủy sản, sau đó cung cấp cho vùng biển khơi. Phía dưới nước, người ta cũng phá các rạn san hô, một số lấy san hồ cành bán làm cảnh, số khác đào rạn san hô vào đắp thành đìa nuôi trồng thủy sản. Chỗ nào nước sâu có cá nhiều, gặp những tay có máu mặt, dùng thuốc nổ hủy diệt.
Một tình trạng khác đang xảy ra hằng ngày ở các tỉnh Nam Trung Bộ, đó là khai thác rong mơ. Bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8, dọc bờ biển, người ta lấy rong mơ về phơi nhiều như phơi rơm. Ông Lại Văn Nguyên, ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, thật thà chia sẻ: "Ra biển, người đi khai thác rong mơ rất đông, chỉ cần nhú lên vài tấc là lặn xuống nhổ sạch, phơi 1 - 2 nắng bán với giá 9.000 - 14.000 đồng/kg".
- Vì sao không để rong mọc lên vài mét rồi khai thác cho có lợi biển cả và tăng thêm thu nhập? - Tôi cắt ngang.
- Mình không nhổ trước, nhóm người khác đến nhổ, tốt nhất là mình phát hiện ra chỗ nào có rong thì hãy "ăn" trước.
Rong mơ đa số mọc ở những vùng rạn ran hô hoặc bãi đá san hô và phát triển vào mùa Xuân, đồng thời là mùa của các loại sinh vật biển đến “ngôi nhà” của nó sinh sản. Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải dương học Nha Trang, đánh giá: “Rong biển giống như một cỗ máy lọc nước khổng lồ, là "ngôi nhà" cư ngụ, sinh sản và phát triển các loài thủy, hải sản. Nó là cái "kho" dự trữ và cung cấp nguồn giống lâu dài cho cả vùng biển khơi. Phá thảm rong chẳng khác nào đi “đốt nhà” của cá, tôm”.
Một sự thật hiển nhiên, ở tất cả những vịnh, đầm, eo biển tại các tỉnh, thành ven biển đều có nghề xiệc cá bằng xung điện (có nơi gọi giã nhúi, nhũi xúc) tồn tại và phát triển hàng chục năm nay, nhưng cơ quan chức năng ở các địa phương vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để loại bỏ nghề này. Xiệc cá gồm hai cái càng rất dài ở trước mũi, xòa ra hai bên, phía dưới có bộ lưới cực dày, kết hợp dây xích sắt vừa dẫn điện 220V từ trên thuyền xuống, vừa kéo rà dưới mặt đáy. Mỗi khi xiệc cá đi qua, dòng điện sẽ tận diệt tất cả mọi sinh vật biển, từ ấu trùng đến cá, tôm trưởng thành. Các vịnh, đầm có diện tích vừa phải, số lượng thuyền giã nhũi đêm nào cũng càn quét với tần suất cao thì chẳng có nguồn lợi thủy sản nào có thể tồn tại.
Tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, song hành cùng thuyền xiệc cá, ngư dân một số địa phương đang đua nhau phát triển thuyền giã sò. Chi phí sắm một bộ đồ nghề giã sò không nhiều lắm, nhưng tiền kiếm được trong một đêm có thể 2 – 3 triệu đồng, nên họ đua nhau sắm loại nghề hủy diệt này. Chỉ cần làm một cái lồng sắt dài khoảng 5m, phía dưới miệng lồng có hàng răng nhọn hướng ra ngoài, dài 30 - 40cm và hệ thống dây buộc vào đôi thuyền. Mỗi khi thuyền sò hoạt động, miệng đáy lồng sắt cắm sâu dưới đáy biển để cào những con sò đang nằm dưới bùn phải văng lên, chui vào lồng sắt. Một vùng biển nhỏ, chỉ cần có 10 - 30 chiếc thuyền giã sò cùng “oanh tạc”, thì đáy biển bị cào xới cỡ nào?
Bùng phát nghề “lưới mùng”
Nhích ra nước sâu hơn chút đỉnh là cả một “ma trận” tàu thuyền hành nghề giã cào, gần bờ thì giã cào một (một chiếc, xòe hai cái càng hai bên), cách bờ khoảng 50 - 100 hải lý là giã cào đôi (2 chiếc tàu đi song song kéo giàn lưới rộng cả trăm mét). Cả hai loại giã cào này đều có một nguyên lý hoạt động giống nhau, sắm bộ lưới rất dày, khi tàu kéo dưới, nước chảy, các ô lưới sẽ khít nhỏ hơn nữa. Phía dưới đáy được gắn những sợi dây xích sắt và những tấm sắt to (ngư dân gọi là dép) để kéo cả giàn dưới xuống sát đáy biển, quét sạch sinh vật tầng đáy. Khi giã cào hoạt động, những tấm sắt kéo lũi dưới bùn, tàn phá toàn bộ hệ sinh thái đáy biển. Những năm gần đây, ngư dân một số tỉnh còn chơi trội, sắm máy có công suất lớn, thậm chí gắn máy xe ô tô để chạy nhanh, nên có cái tên “giã cào bay”.
Nghề trũ bao sử dụng giàn “lưới mùng” rất rộng, vi phạm nghiêm trọng Luật Thủy sản, nhưng vẫn lén lút hoạt động ở các tỉnh Nam Trung Bộ (Ảnh: Hải Luận). |
Tất cả các loại giã cào đều xếp vào hạng “bậc thầy” tàn phá môi trường và nguồn lợi thủy sản. Số lượng hải sản nhỏ li ti chiếm khoảng 50-70% tổng sản lượng đánh bắt được của tàu giã cào, vào bờ, họ bán rất rẻ theo giá “cá phân”. Loại tàu thuyền giã cào có khắp 28 tỉnh, thành phố ven biển, nhưng nhiều nhất vẫn ở các tỉnh Nam Trung Bộ xuống đến vùng biển Tây, tỉnh Kiên Giang.
Song hành với lưới giã cào “oanh tạc” tầng đáy, phía trên mặt có nghề trũ bao, họ dùng tàu lớn và cả giàn dưới cực kỳ dày, nên người dân đặt cho cái tên “lưới mùng”, được xếp đầu bảng về độ dày của mắt lưới. Hiện nay, có nhiều tàu gắn máy công suất gần 1.000 mã lực, chiều dài thân tàu trên 20m, bộ giàn “lưới mùng” dài 700-1.000m, sâu cả 100m.
Thuyền trưởng tàu “lưới mùng” Dương Văn Xuân, đảo Hòn Tre, Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tường thuật: “Loại nghề trũ vây có mắt lưới từ 4 - 5 ly, vùng đánh bắt chủ yếu ven bờ, ven đảo mới có nhiều cá nhỏ. Ban đêm dùng máy quét (dò cá) tìm đàn cá, khi thấy máy báo có cá, tàu vừa chạy, vừa thả cả giàn lưới xuống biển, bao vây vòng tròn, sau đó kéo lưới lên. Với bộ “lưới mùng” này thì bắt sạch, kể cả các loại cá con mới đẻ vài ngày cũng không thoát được”.
Loại nghề trũ vây “lưới mùng” được phát triển mạnh từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo quy luật “bất thành văn”, cứ tàu sau sẽ đóng lớn và sắm giàn lưới dài hơn tàu trước, tạo nên một cuộc đua ghê gớm.
“Nghề giã cào càn quét con “cá đất” (cá tầng đáy), loại trũ vây triệt khử con “cá nổi”. Các loài thủy sản mới sinh ra chưa kịp lớn đã bị xử sạch. Làm theo kiểu như vậy, mà biển không đói, không chết mới lạ. “Nhắm mắt” lại cũng biết mấy nghề này đều vi phạm Luật Thủy sản, thế mà nó vẫn tồn tại, vẫn phát triển hàng chục năm nay?” - Ông Nguyễn Văn Tánh, làm nghề lưới cản (rê) ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên bức xúc. |
Xem thêm
Sự đớn đau của rùa biển và lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Thủ tướng đề nghị từng cơ quan, đơn vị có chương trình, kế hoạch thực hiện ngay các hoạt động cụ thể chống rác thải ... |
Đón bình minh cùng ngư dân trên Đầm Chuồn ở Huế Khi mặt trời ửng hồng cũng là lúc nhịp sống Đầm Chuồn trở nên sinh động với tiếng khua mái chèo đập nước chở cá ... |
Lợi nhuận nhiều từ nghề nuôi yến kèm theo những phiền toái Nghề nuôi yến mang đến nhiều lợi nhuận cho những người dân của các vùng biển Việt Nam nhưng cũng đem lại không ít phiền ... |