Vĩnh biệt Chuck Feeney - người bạn thiện tâm và hào phóng của Việt Nam
Cho đi khi còn sống
Tỷ phú Charles Francis "Chuck" Feeney sinh năm 1931 tại Elizabeth (bang New Jersey, Mỹ) trong một gia đình người Mỹ gốc Ireland thuộc tầng lớp lao động. Ông tốt nghiệp Trường Quản trị khách sạn thuộc Đại học Cornell (Mỹ) và cũng là người đầu tiên trong gia đình vào đại học.
Ông đã xây dựng được phần lớn khối tài sản của mình khi đồng sáng lập Công ty kinh doanh hàng miễn thuế Duty Free Shoppers (DFS) vào năm 1960. Đến năm 1996, ông đã bán cổ phần trong DFS cho Tập đoàn LVMH của Pháp.
Ông Feeney là người khởi xướng triết lý "Cho đi khi còn sống" (Giving While Living). “Tôi thấy không có lý do gì để trì hoãn việc cho đi. Hơn nữa, cho đi khi còn sống sẽ thú vị hơn khi đã qua đời rất nhiều”, ông Feeney khẳng định.
Tỷ phú Chuck Feeney sống giản dị trong một căn hộ thuê ở thành phố San Francisco, Mỹ. (Ảnh: Atlantic Philanthropies) |
Năm 1982, ông Chuck Feeney thành lập Quỹ Atlantic Philanthropies (AP) và bí mật chuyển toàn bộ tài sản kinh doanh của mình cho Quỹ hai năm sau đó. AP đã thực hiện các khoản tài trợ, đa số là ẩn danh, trên khắp các châu lục nhằm hỗ trợ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ nhân quyền và nhiều mục tiêu khác cho nhiều người dân trên thế giới. Vào năm 2020, Quỹ này đóng cửa sau khi tuyên bố họ đã sử dụng hết toàn bộ 8 tỷ USD - số tiền Chuck Feeney quyên góp vào đúng mục đích của nhà tỷ phú này đề ra cho Quỹ.
Người bạn thiện tâm của Việt Nam
Tại Việt Nam AP có hoạt động hỗ trợ từ 1998. Ban đầu với tư cách là nhà tài trợ cho các dự án của tổ chức East Meets West Foundation (EMWF/Mỹ). Sau giai đoạn đầu tìm hiểu nhu cầu, AP đã xây dựng kế hoạch hoạt động lâu dài và chính thức đặt văn phòng tại VN từ năm 2001. Từ đó đến năm 2013, AP đã tài trợ cho Việt Nam tổng cộng khoảng 380 triệu đô la Mỹ.
Các dự án AP tài trợ Việt Nam tập trung chủ yếu trong lĩnh vực y tế (xây dựng cơ sở hạ tầng y tế, trao tặng thiết bị, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho nhân viên ngành y tế, tài trợ các hoạt động nghiên cứu); giáo dục (xây dựng trường ĐH RMIT, xây dựng trung tâm học liệu cho một số trường ĐH của Việt Nam, cấp học bổng cho nghiên cứu sinh Việt Nam đi học thạc sĩ và tiến sĩ ở Australia).
Ông Chuck Feeney cùng vợ trong một chuyến thăm tại Làng Trẻ em Hy Vọng (Đà Nẵng). (Ảnh tư liệu) |
Trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, AP luôn là tổ chức Phi chính phủ nước ngoài có giá trị giải ngân lớn nhất (khoảng 20-30 triệu USD/năm). Tài trợ của AP đã giúp cải thiện đáng kể điều kiện chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại các địa phương được hưởng lợi, góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ y tế, hỗ trợ xây dựng nghiên cứu và ban hành chính sách liên quan.
Từ năm 2013, AP dừng cam kết mới cho Việt Nam, chỉ duy trì hoạt động để hoàn thành nốt các dự án đang triển khai. AP chính thức chấm dứt hoạt động tại Việt Nam từ 2016.
Chặng đường hỗ trợ Việt Nam của tỷ phú Feeney không chỉ dừng lại ở việc đóng góp tài chính mà còn bao gồm những chuyến thăm các bệnh viện, trường học để tận mắt kiểm tra và ủng hộ các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng y tế và giáo dục. Ông cũng kêu gọi Chính phủ Mỹ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phục hồi và phát triển sau những năm chiến tranh khó khăn.
“James Bond của giới từ thiện”
Tỷ phú Chuck Feeney thăm một bệnh viện tại Việt Nam. (Ảnh: Atlantic Philanthropies) |
Những người từng có cơ hội ghé thăm “cơ ngơi” của tỷ phú Chuck Feeney miêu tả không gian sống của vợ chồng ông giản dị như phòng ốc của sinh viên ký túc xá. Nội thất đơn giản, phòng khách chỉ có chiếc bàn gỗ đơn sơ để tiếp khách cùng vài bức ảnh gia đình treo trên tường. Trên bàn đặt một kỷ niệm chương nhỏ ghi dòng chữ: “Xin chúc mừng Chuck Feeney đã quyên góp 8 tỷ USD”.
Tạp chí Forbes đã không tiếc lời ngợi ca và gọi ông Chuck Feeney là "James Bond của giới từ thiện" vì cho đi tài sản trong bí mật, không hề phô trương, ồn ào.
Năm 2011, ông là người thứ 59 ký "Cam kết cho đi" (Giving Pledge) - một cam kết do tỷ phú Bill Gates cùng vợ là Melinda và tỷ phú Warren Buffett khởi xướng, nhằm khuyến khích các cá nhân giàu có của nước Mỹ cống hiến tài sản của họ làm từ thiện.
Chuck Feeney cũng đưa ra lời khuyên đặc biệt cho những người giàu có: Hãy làm những gì có thể làm được, trước khi bạn rời bỏ hành tinh này, khiến nó thành một nơi chốn tốt đẹp hơn, với những triển vọng tốt đẹp hơn cho những người đến sau.
Ngày 13/10, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn đã có thư chia buồn gửi gia đình ông Chuck Feeney. Bức thư có đoạn: "Ông Chuck Feeney là một người nhân hậu đã mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho hàng triệu người trên thế giới. Hơn 15 năm ông Chuck và Quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies hoạt động tại Việt Nam đã cải thiện đáng kể hệ thống chăm sóc sức khoẻ và giáo dục của đất nước. Nhiều người từng được hưởng lợi từ các chương trình/ dự án của Atlantic tại Việt Nam, được truyền cảm hứng bởi lòng kính trọng ông Chuck và triết lý "Cho đi khi đang sống" của ông, hiện đang cố gắng hết mình để tiếp bước ông bằng cách đóng góp, cả về tài chính và công nghệ, để hỗ trợ và phục vụ cộng đồng yếu thế. Ông Chuck luôn được rất nhiều người yêu mến và nhớ đến”. |