VIFTA sẽ là xung lực thúc đẩy thương mại Việt Nam - Israel sớm đạt mức 3-4 tỷ USD
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, quan hệ Việt Nam - Israel đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương của Hiệp định VIFTA (nhất là cam kết mạnh mẽ của hai bên về nâng cao tỷ lệ tự do hoá thương mại) sẽ là xung lực tích cực để thúc đẩy thương mại hai chiều tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3-4 tỉ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Thu Hà). |
Theo ông Nir Barkat, Việt Nam được coi là cửa ngõ để Israel có thể tiếp cận vào khu vực ASEAN, nơi có quy mô dân số gần 700 triệu người.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Israel (Ảnh: Thu Hà). |
Điểm nhấn của Diễn đàn là chương trình giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Israel với sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp trong các lĩnh vực chính: Nông nghiệp công nghệ cao, thiết bị và vật tư nông nghiệp, phân phối và nhập khẩu nông sản; Công nghệ thông tin & An toàn thông tin; Thiết bị y tế; Công nghệ nước (công nghệ xử lý nước sinh thái cho đô thị, nhà máy, khu dân cư, bệnh viện); Năng lượng sạch (động cơ sử dụng năng lượng cho trạm sạc, ô tô, máy phát điện); An ninh quốc phòng (giải pháp phá sóng, thiết bị không người lái).
Thông qua chương trình giao thương, các doanh nghiệp hai nước có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi trực tiếp về các vấn đề mình quan tâm, nhu cầu xuất - nhập khẩu từng mặt hàng cụ thể, qua đó góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Israel.
Những khuyến nghị nhằm thúc đẩy thương mại Việt Nam - Israel Theo ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Châu Phi, Bộ công thương, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Israel còn nhiều tiềm năng và dư địa để tiếp tục tăng cường, nhất là sau khi hai Bên đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do. Để biến tiềm năng hợp tác thành hiện thực, đại diện Bộ Công thương đã đưa ra một số đề xuất: Thứ nhất, hai bên cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, đẩy mạnh việc tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư tại mỗi nước. Thứ hai, phía Việt Nam khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp Israel đầu tư nhiều hơn nữa vào các dự án sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các dự án công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp tiêu dùng và thực phẩm, chuyển giao công nghệ và phát triển công nghệ cao tại Việt Nam… Thứ ba, đề nghị phía Israel nghiên cứu khả năng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua nhiều hình thức như liên doanh, liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, mang lại giá trị gia tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm như linh kiện bán dẫn, các sản phẩm từ sữa… Thứ tư, phía Việt Nam sẵn sàng phối hợp với phía Israel trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ công nghệ về sản xuất công nghiệp điện tử, nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp vật liệu, công nghệ thông tin, sản xuất xanh, sạch. |