Việt Nam tiếp nhận gần 224 triệu đô la Mỹ viện trợ trong năm 2022
Ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban chủ trì cuộc họp. Tham dự họp có ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban; bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Đối ngoại Trung ương; các Ủy viên Uỷ ban cùng đại diện các cơ quan tham gia Nhóm Công tác PCPNN.
Chủ động thích nghi với khó khăn
Báo cáo tình hình công tác PCPNN năm 2022, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Ban Điều phối viện trợ nhân dân (đơn vị thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam), đại diện cơ quan thường trực Ủy ban cho biết: Trong năm 2022, thế giới và khu vực cũng trải qua những chuyển biến nhanh, phức tạp. Sự điều chỉnh chính sách và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, di cư, biến đổi khí hậu, khủng bố, dịch bệnh… là những vấn đề lớn đặt ra cho tất cả các nước, các tổ chức quốc tế và cả các tổ chức PCPNN. Giá trị viện trợ PCPNN giải ngân cho Việt Nam năm 2022 đạt hơn 223,7 triệu đô la Mỹ, giảm gần 10 triệu đô la Mỹ so với cùng kỳ 2021 và tương đương giá trị viện trợ của năm 2020 (220,7 triệu đô la Mỹ).
Các em học sinh Trường mầm non Tùng Vài tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang trải nghiệm quạt sưởi do tổ chức PCNNN trao tặng. |
Tỷ lệ giải ngân đạt 77,1% so với cam kết của cả năm 2022. Điều này cho thấy sự tích cực, chủ động thích nghi hơn trong quá trình hoạt động, triển khai dự án của các tổ chức PCPNN sau quá trình bình thường hóa, thể hiện kết quả công tác hỗ trợ, kết nối, phối hợp của các cơ quan, bộ, ngành và địa phương.
Góp phần vào kết quả nêu trên, Ủy ban đã luôn chủ động xây dựng kế hoạch sát với thực tế, chủ động hỗ trợ các tổ chức PCPNN, tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức PCPNN nhưng vẫn đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, chủ động tư vấn kỹ thuật và góp ý cho các hoạt động của các tổ chức PCPNN,… Sự vào cuộc, hỗ trợ và đồng hành đã được các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và tổ chức PCPNN hoan nghênh đánh giá cao. Đó cũng là tiền đề để Ủy ban xác định phương hướng, nhiệm vụ cụ thể và những khó khăn/thách thức trong công tác PCPNN năm 2023.
Phối hợp giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh
Tại cuộc họp, các ý kiến thành viên Ủy ban đã trao đổi, đánh giá cao những điểm mới và chuyển biến tích cực trong công tác vận động viện trợ PCPNN, đặc biệt là trong việc góp phần nâng cao vai trò, sức mạnh của lĩnh vực đối ngoại nhân dân. Các ý kiến cũng chỉ ra một số điểm cần rút kinh nghiệm trong triển khai kế hoạch công tác năm 2023 đạt hiệu quả, trong đó có việc làm rõ những đóng góp của Ủy ban vào việc thực hiện các nhiệm vụ của Việt Nam với vai trò là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.:
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban và các cơ quan thành viên, nhất là cơ quan thường trực Ủy ban là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị việt Nam trong việc vận động, động viên để duy trì được sự hỗ trợ của các tổ chức PCPNN cho Việt Nam sau đại dịch cũng như việc phối hợp với Trung ương, địa phương, duy trì trao đổi thường xuyên để công tác PCPNN đạt hiệu quả cao.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho các cá nhân có đóng góp tích cực trong xây dựng Nghị định 58/2022/NĐ-CP (Ảnh: Thu Hà). |
Theo ông Ngọc, năm 2022 hoạt động của các tổ chức PCPNN cơ bản trở lại trạng thái hoạt động bình thường, có sự sôi động hơn, về cơ bản tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam. Ủy ban tích cực, chủ động hỗ trợ các bộ ngành, địa phương vận động tài trợ, làm tốt nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống các hoạt động vi phạm pháp luật của các tổ chức PCPNN. Công tác tham mưu xây dựng chính sách có nhiều điểm mới, hiệu quả. Công tác giải quyết các thủ tục hành chính liên quan có nhiều chuyển biến. Công tác kiểm tra giám sát, quản lý viện trợ được đổi mới, phù hợp với tình hình sau Covid.
Ông Ngọc cho biết: Nghị định 58/2022/NĐ-CP ngày 31/8/2022 về đăng ký và quản lý hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam được ban hành đặt ra yêu cầu về việc tiếp tục kiện toàn, điều chỉnh quy chế làm việc Ủy ban. Do đó, trong năm 2023, Cục ngoại vụ địa phương (Bộ Ngoại giao) cần phối hợp rà soát, trao đổi các nội dung cần điều chỉnh.
Nhận định tình hình nguồn lực viện trợ năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn do cần có sự chia sẻ, giúp đỡ cho các đất nước khác cũng là những đối tác quan trọng của Việt Nam, ông Hà Kim Ngọc đề nghị Cơ quan thường trực tiếp thu ý kiến các thành viên Ủy ban, tăng cường trao đổi, phối hợp với địa phương trong công tác tham mưu, xây dựng chính sách, giải quyết thủ tục hành chính và các vấn đề phát sinh, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện. Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ bộ ngành triển khai hiệu quả Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2019-2025. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, phát hiện sai phạm, kịp thời có sự chấn chỉnh.
Cùng ngày, Ủy ban phối hợp với Bộ Ngoại giao đã tổ chức Lễ trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho các cá nhân có đóng góp tích cực trong xây dựng Nghị định 58/2022/NĐ-CP ngày 31/8/2022 về đăng ký và quản lý hoạt động của tổ chức PCPNN tại Việt Nam.