Việt Nam thuộc Top 5 quốc gia có nhiều nhà nghiên cứu khoa học tại Hàn Quốc
Trong số 12 công nghệ chiến lược quốc gia, lĩnh vực công nghệ sinh học tiên tiến có số đông nhà khoa học nước ngoài tham gia nghiên cứu nhất và hơn một nửa nhân lực đến từ 5 quốc gia gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Mỹ và Pakistan.
Ngày 14/12, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc cho biết đã báo cáo “Kết quả phân tích lực lượng lao động nước ngoài về công nghệ chiến lược quốc gia” lên Ủy ban đặc biệt quản lý tài năng tương lai trong lĩnh vực khoa học và công nghệ quốc gia. Số liệu trong báo cáo dựa trên thông tin về các nhà nghiên cứu nước ngoài đã đăng ký trong Hệ thống hỗ trợ nghiên cứu tích hợp thông tin liên bộ (IRIS). IRIS đã đi vào hoạt động đầy đủ kể từ năm 2023, giúp phân tích tình trạng của các nhà nghiên cứu nước ngoài tham gia hoạt động R&D trên toàn quốc, tập trung vào lĩnh vực công nghệ sinh học tiên tiến.
Theo kết quả phân tích, tính đến tháng 11 năm nay, có 22.000 nhà nghiên cứu nước ngoài đã đăng ký trong Hệ thống thông tin nhà nghiên cứu quốc gia. Trong số đó, 1.990 nhà nghiên cứu nước ngoài đang tham gia vào các dự án nghiên cứu mới của năm 2023. Kết quả phân tích cũng cho thấy có 1.263 nhà nghiên cứu nước ngoài tham gia các dự án nghiên cứu thuộc 12 lĩnh vực công nghệ trọng điểm chiến lược quốc gia.
Xét theo lĩnh vực công nghệ, người nước ngoài tham gia nhiều nhất trong lĩnh vực công nghệ sinh học tiên tiến với 358 người, tiếp theo là trí tuệ nhân tạo 344 người; chất bán dẫn và màn hình 163 người.
Theo quốc tịch, Trung Quốc có đông chuyên gia tham gia nghiên cứu nhất với 219 người, tiếp đến là Ấn Độ với 183 người, Việt Nam đứng thứ ba với 143 người, Mỹ có 142 người và Pakistan có 98 người. Các nhà nghiên cứu nước ngoài đến từ 5 quốc gia này chiếm 62,2% tổng số các nhà nghiên cứu nước ngoài của Hàn Quốc.
Theo giai đoạn nghiên cứu, có 217 người nước ngoài tham gia nghiên cứu cơ bản, 57 người tham gia nghiên cứu ứng dụng và 84 người nghiên cứu phát triển. Theo loại hình liên kết, liên kết với trường đại học chiếm nhiều nhất với 79% (283 người), tiếp theo là các công ty (17%, tương đương 62 người) và các viện nghiên cứu do chính phủ tài trợ (2%, tương đương 13 người).
Giám đốc Ban Đổi mới Khoa học và Công nghệ Joo Young-chang cho biết điều kiện quan trọng nhất để đảm bảo chủ quyền công nghệ trong thời đại cạnh tranh vị thế hàng đầu về công nghệ trên thế giới là tài năng khoa học và công nghệ. Do đó, Hàn Quốc cần thiết lập một hệ thống nghiên cứu và phân tích có thể dự đoán chính xác và phân tích toàn diện hiện trạng nhân lực khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Căn cứ vào việc quản lý và phân tích dữ liệu khoa học, việc thiết lập các chính sách với nhân sự trong lĩnh vực khoa học dựa trên dữ liệu sẽ được đẩy mạnh.