Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học về công tác đối ngoại nhân dân
Trong những năm qua, công tác đối ngoại nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao; cũng như được sự quan tâm, ủng hộ của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Cùng với hoạt động đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước, công tác đối ngoại nhân dân được triển khai chủ động, tích cực, ngày càng đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, gắn kết ngày càng chặt chẽ, góp phần xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cho biết, Nghệ An là một trong những địa phương được đánh giá hoạt động có hiệu quả trong công tác đối ngoại nhân dân, góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ của tỉnh Nghệ An với nhiều nước trên thế giới, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, các giá trị văn hóa, tiềm năng, lợi thế của Nghệ An đến với các nhà đầu tư nước ngoài, đóng góp một phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
GS.TS Lê Văn Lợi - Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và ông Nguyễn Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Thường trực LHCTCHN Nghệ An đồng chủ trì buổi Hội thảo |
Nhằm đưa công tác đối ngoại nhân dân đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tiến trình hội nhập và phát triển, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác đối ngoại nhân dân trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An”.
Tại Hội thảo, Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã chia sẻ thông tin bằng tham luận "Đối ngoại nhân dân trong mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hoá" với 3 nội dung chính: Vai trò của đối ngoại nhân dân trong mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hoá; Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân trong bối cảnh mới; Phát huy thế mạnh của đối ngoại nhân dân phục phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh Nghệ An.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga tin tưởng, với thế mạnh của một địa phương anh hùng, giàu truyền thống cách mạng, đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, với nguồn lực của gần 60.000 người Nghệ An đang sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, với 17 tổ chức hữu nghị với các nước và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân giàu tâm huyết và kinh nghiệm, công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh Nghệ An sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp và có nhiều thành công mới; sớm đưa quê hương Bác Hồ kính yêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, đồng thời tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã nghe các tham luận và thảo luận về công tác đối ngoại nhân dân trong quá trình hội nhâp gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An trong quá trình hội nhập như: Đối ngoại nhân dân trong mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa; Thực trạng hoạt động đối ngoại nhân dân trên lĩnh vực an ninh biên giới Việt - Lào; Khai thác tri thức bản địa của đồng bào dân tộc miền Tây Nghệ An trong phát triển sản phẩm đến quốc tế; Truyền thông quảng bá hình ảnh theo cách làm mới…
GS.TS Lê Văn Lợi - Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kết luận buổi Hội Thảo |
GS.TS Lê Văn Lợi - Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hoạt động đối ngoại nhân dân cần được đặt trong chiến lược và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá của tỉnh Nghệ An. Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới ngày càng mạnh mẽ hơn tư duy, cách tiếp cận, nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại, theo đúng tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám “vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế”.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy lợi thế của đối ngoại nhân dân, làm tốt vai trò “cầu nối” xúc tiến hợp tác kinh tế - thương mại, du lịch, đầu tư, văn hóa, giáo dục, nâng cao hiệu quả công tác phi chính phủ nước ngoài và tăng cường hợp tác với các đối tác tiềm năng, đặc biệt là trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... phù hợp với thế mạnh và nhu cầu của từng đối tác, từng địa phương.
Đồng thời, phát huy lợi thế của ĐNND trong kiến tạo và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; tiếp tục vận động để thu hút các nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tham gia phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về xây dựng quê hương, đất nước.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng truyền thông, quảng bá hình ảnh Nghệ An đến với bạn bè quốc tế thông qua hoạt động đối ngoại nhân dân, cần khai thác các tiềm năng về văn hoá, kinh tế của Nghệ An. Các hoạt động giao lưu hữu nghị gắn liền với văn hóa địa phương, trao đổi văn hóa, nghệ thuật. Tích cực tham gia các tổ chức quốc tế về văn hóa, phát huy vai trò của kiều bào trong thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa.
Cũng thông qua buổi Hội thảo khoa học “Công tác đối ngoại nhân dân trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An”, với những tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng với việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp trong công tác đối ngoại nhân dân sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao hơn nữa vị thế của tỉnh Nghệ An trong sự phát triển chung của cả nước.