Việt Nam tham khảo kinh nghiệm của Pháp trong phát triển xanh
Diễn đàn do Trường Đại học Kinh tế và Khoa Quốc tế Pháp ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Hội hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Pháp, Viện Nghiên cứu Châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức. Hơn 150 đại biểu là đại diện các cơ quan, ban, ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp hai nước... đã tham dự Diễn đàn và đóng góp nhiều khuyến nghị, sáng kiến cho phát triển xanh và bền vững.
Những kinh nghiệm hữu ích...
Tại Diễn đàn, thực tiễn và kinh nghiệm của Pháp trong phát triển xanh và bền vững đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu chia sẻ, gợi mở.
Cụ thể như:
Chính phủ Pháp yêu cầu doanh nghiệp kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm giảm tác động tới môi trường: bắt buộc sản phẩm điện và điện tử tiêu dùng phải có khả năng sửa chữa, tạo thuận lợi cho việc sửa chữa sản phẩm với các phụ tùng thay thế sẵn có...
Đại biểu dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Pháp 2023 (Ảnh: Mai Anh) |
Chính phủ Pháp cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho tài chính xanh thông qua các chương trình trợ cấp toàn diện như hỗ trợ thuế và phát triển các công cụ tài chính, một chiến lược khí hậu rõ ràng cho Pháp mà tất cả các khoản đầu tư công phải phù hợp và giữ vị trí hàng đầu với tư cách là nhà phát hành trái phiếu Chính phủ xanh.
Pháp đã giảm 10% chất thải sinh hoạt và chất thải tương đương cho mỗi cá nhân vào năm 2020, giảm chất thải phát sinh từ các hoạt động kinh tế trên một đơn vị giá trị sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và công trình công cộng so với năm 2010. Đổi mới sáng tạo toàn diện trong thiết kế sản phẩm, tăng cường tái sử dụng, tái chế đối với sản phẩm hữu cơ đến 55% vào năm 2020 và 65% vào năm 2025 đối với chất thải không độc hại, đặc biệt là thiết bị điện và điện tử, dệt may và đồ nội thất...
Pháp cũng là quốc gia đã chuyển đổi việc làm trong nền kinh tế xanh khi đẩy mạnh đào tạo để tìm kiếm cơ hội việc làm trong các lĩnh vực xanh và xanh hóa. Năm 2018, Bộ Lao động, Việc làm, Dạy nghề và Đối thoại xã hội Pháp đã phát động chương trình có tên gọi "10Kverts" nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận của thanh niên và người tìm việc làm trong các ngành nghề "xanh".
Tại hội thảo đã ra mắt cuốn sách "Kinh tế Việt Nam - Pháp: Hướng tới phát triển xanh bền vững". Trong ảnh, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (ở giữa) cùng các đại biểu nhận sách do nhóm tác giả gửi tặng (Ảnh: Mai Anh) |
Theo ông Thomas Honnet, đại diện Hội hữu nghị Pháp - Việt Nam: Việt Nam cần thiết lập khung pháp lý để các doanh nghiệp tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc quan tâm đến việc tuổi thọ của các sản phẩm công nghệ thông tin hay khả năng sửa chữa của các sản phẩm điện và điện tử hay trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc sử dụng các sản phẩm công nghệ cần được xem là những quy định bắt buộc. Chính phủ cũng cần xây dựng những chính sách, ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ xanh.
PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đề xuất: Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của Pháp trong việc lấy tăng trưởng xanh làm động lực tăng trưởng, từ đó lan tỏa đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Đồng thời thể chế hóa thành các quy định pháp luật để ràng buộc trách nhiệm thực hiện của các chủ thể.
Thu hút đầu tư phát triển công nghệ xanh
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Việc chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính hiện nay sang mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy thoái hệ sinh thái tự nhiên, ô nhiễm môi trường đang tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, sản xuất kinh doanh trên toàn cầu".
Theo ông Lê Công Thành, trong quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp vừa đóng vai trò chủ thể vừa là động lực thúc đẩy. Do đó, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp đổi mới danh mục đầu tư tại Việt Nam. Trong đó ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng xanh, các-bon thấp, có sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, phát triển vốn tự nhiên; các dự án đầu tư ngoài việc đóng góp cho các mục tiêu phát triển gắn với các cam kết toàn cầu về khí hậu và môi trường. Thúc đẩy đầu tư và thu hút đầu tư vào những lĩnh vực đóng vai trò động lực cho quá trình chuyển đổi như năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, phát triển công nghệ xanh; từng bước loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính.
Cùng với đó, cần quan tâm đổi mới các phương thức huy động tài chính sáng tạo, bao gồm tài chính hỗn hợp, trao đổi tín chỉ các-bon, định giá các-bon để huy động nguồn lực cho các dự án mang tính chuyển đổi.
Các dự án cần thúc đẩy đầu tư, chuyển giao công nghệ cao thân thiện môi trường và khí hậu vào Việt Nam để giảm phát thải khí nhà kính, giảm dấu chân cac-bon trong các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu và các thị trường có tiêu chuẩn cao về khí thải, đồng thời góp phần vào thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Phiên thảo luận giữa các chuyên gia Việt Nam và Pháp về phát triển xanh và bền vững (Ảnh: KT). |
"Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính. Quá đó tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển xanh và bền vững cũng như để thực hiện các cam kết với quốc tế về mục phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ…", ông Thành phát biểu.
Việt Nam đã ban hành: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược Tăng trưởng xanh... Đây là tiền đề để Việt Nam thu hút đầu tư cho phát triển xanh bền vững, phù hợp với lộ trình đạt mục tiêu net-zero vào năm 2050; thúc đẩy phát triển mạnh điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện gió trên đất liền; chuyển đổi điện than sang năng lượng tái tạo; chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng điện. |