Lợi thế của Việt Nam khi chuyển đổi sang tăng trưởng xanh
Thúc đẩy chuyển đổi xanh
Tại sự kiện thường niên Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” do Bộ Ngoại giao và Thời báo kinh tế Việt Nam đồng tổ chức, các đại biểu đều thống nhất quan điểm tăng trưởng xanh là một xu thế tất yếu, Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh.
Chính sách về “Tăng trưởng xanh” thể hiện rõ nét ở Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD. Ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần sự tham gia, góp sức chủ yếu từ khu vực tư nhân, mà chính là cộng đồng doanh nghiệp FDI, trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Cái đại biểu tham gia thảo luận. Ảnh: Nông thôn Việt |
Phát biểu tại diễn đàn, TS Tạ Đình Thi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận xét: "Thập kỷ này và nhiều thập kỷ tới, chắc chắn xu hướng cạnh tranh trên toàn cầu sẽ là 'cạnh tranh xanh'. Những câu chuyện thành công và dẫn dắt xu hướng hướng này sẽ thuộc về các nền kinh tế, các địa phương, các doanh nghiệp và người dân biết nắm bắt sớm, hành động ngay và không ngừng thúc đẩy chuyển đổi xanh. Nếu các doanh nghiệp chậm “chuyển đổi xanh” từ mô hình hoạt động đến quy trình sản xuất, đầu tư, thương mại sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác và phát triển".
Theo ông Thi, để tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tới, Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi đầu tư nước ngoài, mà phải huy động mạnh mẽ, hội tụ được các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển, cũng như nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh.
Là “đầu tàu” kinh tế của cả nước, trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, TP.HCM có nhiều thuận lợi để thực hiện mục tiêu. Ông thông tin, trong thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó tập trung triển khai thực hiện hiệu quả 51 chương trình và đề án trong 3 chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm (gồm: chương trình đột phá về đổi mới quản lý thành phố; chương trình đột phá về phát triển hạ tầng thành phố; chương trình đột phá về phát triển nhân lực và văn hóa thành phố; chương trình trọng điểm về phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo).
TP.HCM cũng tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển kinh tế thành phố nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động. Triển khai thực hiện đề án phát triển thành phố thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế.
Đồng thời, tập trung xây dựng thành phố thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường khoa học công nghệ, thị trường tài chính theo chuẩn mực của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học, công nghệ có giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghệ cao, kinh tế số; từng bước chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất sử dụng công nghệ lạc hậu thành khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng công công nghệ cao thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động.
Trong khi đó, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho hay, muốn tăng trưởng xanh, bền vững thì không thể quên vấn đề giáo dục.
"Cần tăng cường hơn nữa việc nâng cao nhận thức cho thế hệ tương lai về môi trường, về nền kinh tế xanh, vì sao cần phải phát triển bền vững. Từ sự nhận thức này, các em, các cháu sẽ cùng chúng ta hành động một cách quyết liệt và hiệu quả hơn để bảo vệ môi trường nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế", bà nói.
3 lợi thế của Việt Nam
Trao đổi trên báo chí trước đó, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao đã chỉ ra những khó khăn, thách thức cũng như thuận lợi khi chuyển đổi sang xu hướng "tăng trưởng xanh".
Khó khăn thứ nhất, ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Dù đã kiểm soát khá tốt đại dịch, nhưng nó vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, tác động của nó đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đời sống của người dân đang cần rất nhiều thời gian để khắc phục.
Khó khăn thứ hai, những biến động hết sức to lớn và bất ổn trong nền kinh tế, kể cả tình hình chiến sự Nga – Ukraine. Tất cả đều có tác động nhất định đến bức tranh kinh tế vĩ mô của thế giới và của Việt Nam, làm cho quá trình phục hồi kinh tế mong manh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, buộc các nhà hoạch định chính sách và các địa phương không chỉ tính đến phát triển bền vững lâu dài, mà phải khắc phục những khó khăn, bất cập trước mắt đang đặt ra đối với doanh nghiệp, người dân và các địa phương.
Khó khăn thứ ba, quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh chính là tăng trưởng bền vững. Dù là một xu hướng đúng của Đảng, Nhà nước ta, nhưng việc chuyển đổi này không hề dễ do năng lực, trình độ của chúng ta so với thế giới vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu nhìn từ góc độ địa phương, không phải địa phương nào cũng sẵn sàng về hạ tầng chất lượng cao, công nghệ tiên tiến và cả về nguồn nhân lực có kỹ năng cao, để có thể tham gia ngay vào quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững. Đó là những khó khăn đang đặt ra đối với nền kinh tế, với các doanh nghiệp và với các địa phương.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, Việt Nam đang có ba lợi thế nhất định.
Một là, quyết tâm của Đảng, Nhà nước của Chính phủ trong việc đẩy nhanh chuyển đổi nền kinh tế sang hướng xanh, bền vững. Đây không chỉ là xu hướng chung của thế giới mà còn là nhu cầu bức thiết của Việt Nam. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, chúng ta tăng trưởng không phải bằng mọi giá, làm ảnh hưởng đến môi trường hay là làm cho bất bình đẳng xã hội gia tăng, mà chúng ta phải tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, tăng trưởng sáng tạo, tăng trưởng bao trùm.
Hai là, nhận thức về sự cần thiết phục hồi, tăng trưởng xanh bền vững của các địa phương, các doanh nghiệp và người dân đang gia tăng rất lớn trong thời gian qua.
Ba là, tăng trưởng xanh là một xu hướng lớn và rất phổ biến trên thế giới. Các đối tác nước ngoài, Chính phủ các nước họ cũng đang trong quá trình tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, sự hợp tác với nhau đều theo hướng xanh, bền vững, bao trùm.
Nhiều nước không chấp nhận nhập khẩu những hàng hóa không được sản xuất theo quy trình thân thiện môi trường. Đồng thời, thực tế này cũng cho thấy xu hướng tăng trưởng xanh trên bình diện quốc gia, khu vực và toàn cầu đã, đang và sẽ tiếp tục mở ra nhiều lĩnh vực, hàng hóa và dịch vụ mới thân thiện với môi trường.
Điều này mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác cho các địa phương, doanh nghiệp cùng với các đối tác bên ngoài nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác theo hướng bao trùm, bền vững.