Việt Nam tham gia tập trận hải quân chung ASEAN-Mỹ ngày 2/9
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo chiều 22/8 ở Hà Nội. |
"Cuộc diễn tập hàng hải ASEAN và Mỹ sẽ diễn ra trong ngày 2-6/9/2019. Đây là hoạt động được tiến hành theo thỏa thuận giữa bộ trưởng quốc phòng ASEAN và Mỹ năm 2018. Là thành viên của ASEAN, Việt Nam sẽ tham gia cuộc diễn tập này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 22/8 tại Hà Nội.
Trước đó, tờ hãng tin Kyodo của Nhật Bản, ngày 21/8 đã trích lời một nguồn tin của ASEAN khẳng định về cuộc diễn tập. Theo đó, cuộc tập trận trên biển ASEAN-Mỹ kéo dài 5 ngày với sự tham gia của ít nhất 8 tàu và các máy bay, sẽ bắt đầu tại căn cứ hải quân Sattahip ở tỉnh Chonburi và kéo dài đến tỉnh cực Nam Cà Mau của Việt Nam.
Nguồn tin trên cũng khẳng định tất cả các nước ASEAN sẽ tham gia cuộc tập trận chung do Hải quân Mỹ cùng Hải quân Thái Lan đồng tổ chức.
Để triển khai cuộc tập trận, một lực lượng hỗn hợp sẽ được thiết lập trên một tàu tuần tra của Thái Lan, dưới sự chỉ huy của một quan chức hải quân cao cấp quốc gia này cùng với sự tham gia của các thành viên hải quân Mỹ và các quốc gia thành viên ASEAN. Phía Mỹ sẽ cử đội tàu khu trục Destroyer Squadron 7 (thuộc Hạm đội hải quân 7), tham gia cuộc tập trận lần này.
Hồi năm ngoái, ASEAN và Trung Quốc cũng tổ chức tập trận trên biển vào tháng 10, ở khu vực ngoài khơi Trạm Giang, thuộc tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc.
Tờ Bangkok Post của Thái Lan cũng đưa tin về cuộc tập trận chung này, đồng thời nhận định đây là một phần động thái nhằm cân bằng trong mối quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc và Mỹ, hai cường quốc đang ngày càng chú trọng gia tăng ảnh hưởng của mình vào khu vực Đông Nam Á.
Theo TTXVN, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nhấn mạnh Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
“Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như ở khu vực.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam phù hợp luật pháp quốc tế và pháp luật của Việt Nam.
Với quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chúng tôi đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì trật tư, hòa bình, an ninh trong khu vực; an ninh, an toàn và tự do hàng hải hàng không; tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982,” bà Lê Thu Hằng nêu rõ.
Xem thêm
Trung Quốc lại ngang ngược tập trận ở Hoàng Sa, cấm tàu thuyền qua lại Cục Hải sự Hải Nam Trung Quốc ngang ngược thông báo, quân đội nước này sẽ tiến hành tập trận ở quân đảo Hoàng Sa ... |
Mỹ chuyển hướng tập trận sang Biển Đông, đối phó Trung Quốc Quân đội Mỹ đang lên kế hoạch chuyển hướng, tăng cường tập trận tại Thái Bình Dương - Ấn Độ dương trong năm 2020, trong ... |
Triều Tiên 2 lần phóng tên lửa, Mỹ nói "không vi phạm cam kết" Mỹ để ngỏ khả năng nối lại đàm phán phi hạt nhân với Triều Tiên sau khi nước này phóng hai tên lửa tầm ngắn ... |
Việt Nam theo dõi sát việc Trung Quốc diễn tập bắn tên lửa ở Biển Đông Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam quan tâm và theo dõi sát diễn biến trên Biển Đông. ... |