Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già
Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già (Ảnh minh họa). |
Ngày 17/8, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 248/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
Theo báo cáo rà soát năm 2021 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 11,99 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số và dự báo, trong vòng 16-18 năm nữa Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già.
Do vậy, quan tâm bảo đảm quyền, lợi ích và phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi vào các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, việc làm, kinh tế, chính trị của đất nước phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng của người cao tuổi là một trong những trọng tâm chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, trong đó đặc biệt cần có giải pháp thiết thực, phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ người cao tuổi tham gia hoạt động.
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt tại Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 130/TB-VPCP ngày 28/5/2021 và Thông báo số 102/TB-VPCP ngày 06/4/2022; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách đối với người cao tuổi và hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện cụ thể việc tham gia bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế; phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Bộ Y tế tập trung tổ chức thực hiện tốt Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, nhất là với Hội Người cao tuổi Việt Nam nghiên cứu, cung cấp gói dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, chuyên sâu để kịp thời phát hiện, điều trị một số bệnh phổ biến ở người cao tuổi; chỉ đạo hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng và việc rà soát, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi.
Bộ Công an tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội đến toàn thể cán bộ, hội viên và Nhân dân; tổ chức tốt Hội nghị toàn quốc biểu dương điển hình tiên tiến người cao tuổi trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2016-2021.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, thể dục, thể thao đối với người cao tuổi.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện khẩn trương, dứt điểm việc tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn cho người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế; bảo đảm kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; phối hợp với Hội người cao tuổi các cấp triển khai Kế hoạch tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương điển hình tiên tiến người cao tuổi trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2016-2021.
Đồng thời, xem xét, cân đối đưa vào Quy hoạch của địa phương các thiết chế chăm sóc người cao tuổi, nhất là quy hoạch cơ sở dưỡng lão để huy động nguồn lực xã hội phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
Phó Thủ tướng đề nghị Hội Người cao tuổi Việt Nam tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại Thông báo số 102/TB-VPCP ngày 6/4/2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham gia quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi và dự án Luật về Hội; chủ động phối hợp với Hội Khuyến học nghiên cứu tổ chức các chương trình học tập nâng cao sức khỏe tinh thần cho các hội viên người cao tuổi; xây dựng Quy chế phối hợp thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng mô hình học tập phù hợp với từng khu vực, địa bàn.
Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về hội viên người cao tuổi với cơ sở dữ liệu an sinh xã hội của người dân và Cơ sở dữ liệu về dân cư góp phần phục vụ chuyển đổi số quốc gia; nghiên cứu, tạo cơ hội việc làm phù hợp cho hội viên người cao tuổi, bảo đảm quyền làm việc, quyền đóng góp của người cao tuổi cho xã hội, sử dụng hợp lý kinh nghiệm, kiến thức nhằm phát huy vai trò tích cực của người cao tuổi.
Sau 30 năm nữa, có 25% dân số Việt Nam ở tuổi 60 trở lên, đất nước bước vào giai đoạn "dân số rất già", theo dự báo của Tổng Cục dân số. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi. Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển có nhiều thập kỷ đến hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như Pháp 115 năm, Australia 73 năm; Trung Quốc 26 năm; tiến trình này ở Việt Nam chỉ diễn ra trong 15 năm. Đặc điểm của già hóa dân số ở Việt Nam là nữ cao tuổi nhiều hơn nam, với sự gia tăng tỷ lệ góa và tình trạng người già sống một mình. Đời sống vật chất của người cao tuổi Việt Nam còn nhiều khó khăn khi 68% sinh sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Hơn 72% người già sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với họ, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già. |
Định nghĩa của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) về tuổi trạng dân số Dân số già hóa: Khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 10% hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số. Dân số già: Khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20% hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 14% tổng dân số. Dân số rất già: Khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 30% hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 21% tổng dân số. Dân số siêu già: Khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm tương ứng 35% tổng dân số hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 26% trong tổng dân số. |