Liên hợp quốc đánh giá cao nỗ lực bảo đảm quyền con người mạnh mẽ và minh bạch của Việt Nam
Bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên Liên hợp quốc thay mặt các đối tác quốc tế đánh giá cao cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người (Ảnh: Báo Quốc tế) |
Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã chủ trì công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III Việt Nam đã chấp thuận, và thông tin về việc ứng cử của Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Trả lời phỏng vấn Thế giới & Việt Nam, bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam chỉ ra ý nghĩa của Báo cáo, đồng thời khẳng định cam kết của hệ thống các cơ quan Liên hợp quốc sát cánh cùng Việt Nam thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam đã chấp thuận vừa được công bố?
Đầu tiên, tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã gửi Báo cáo giữa kỳ tự nguyện tới Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC).
Đây là Báo cáo giữa kỳ thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III và hướng tới chu kỳ IV. Báo cáo đã ghi lại chi tiết tiến độ thực hiện các khuyến nghị. Báo cáo này càng đặc biệt quan trọng khi nhìn vào thời điểm nó được hoàn thành.
"Chúng tôi coi đây là bản đánh giá giữa kỳ, là cơ sở để chúng tôi nhìn lại mình, rút ra bài học thành công, xác định những khó khăn, thách thức, rút kinh nghiệm, nhằm củng cố các nỗ lực của chúng tôi trong thời gian còn lại trước chu kỳ UPR IV trong tương lai". (Ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao)
Điều quan trọng nhất là thông qua báo cáo này, Việt Nam có thể nhìn lại các biện pháp đang được tiến hành nhằm bảo đảm quyền con người một cách mạnh mẽ hơn, đồng thời xác định một cách minh bạch những thách thức vẫn còn tồn tại, để có thể làm việc cùng nhau và giải quyết những thách thức đó.
Có lẽ thời gian tới, chúng tôi có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để bảo đảm cả tính phân tích của báo cáo - tức là không chỉ mô tả những gì đã xảy ra, mà còn đánh giá việc thực hiện các khuyến nghị UPR đã thành công như thế nào, cũng như xác định những thách thức trong tiến trình thực hiện.
Rất nhiều vấn đề được đưa ra trong sự kiện ngày hôm nay, chẳng hạn như một số ý kiến nhấn mạnh vào việc cần bảo đảm sự tham vấn rộng rãi và sự tham gia toàn xã hội vào việc xây dựng các báo cáo thực tiễn về thúc đẩy và tôn trọng quyền con người.
Nhìn chung, các đại biểu đều ủng hộ Chính phủ Việt Nam tiếp tục xác định một cách minh bạch, công khai, và khách quan đối với các chuẩn mực nhân quyền liên quan đến các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực đó, không ngừng tiến bộ, thực hiện và nâng cao các biện pháp thúc đẩy quyền con người.
Nhìn chung, các đại biểu đều đánh giá cao Báo cáo giữa kỳ UPR chu kỳ III của Việt Nam (Ảnh: Báo Quốc tế) |
Chỉ còn 2 năm nữa là Cơ chế UPR chu kỳ III sẽ kết thúc. Thời gian qua, Liên hợp quốc đã hỗ trợ Việt Nam không nhỏ trong quá trình thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III. Vậy Liên hợp quốc sẽ đồng hành với Việt Nam như thế nào trong chặng đường 2 năm còn lại?
Liên hợp quốc có nhiệm vụ tập trung vào việc tôn trọng và thúc đẩy quyền con người. Hiến chương Liên hợp quốc cũng quy định tất cả các thành viên, trong đó có Chính phủ Việt Nam, có nghĩa vụ như vậy. Vì vậy, chúng ta đang cùng nhau làm việc để hướng tới một mục tiêu chung là bảo đảm và nâng cao quyền con người.
Tôi nghĩ rằng, trong vòng 2 năm tới sẽ không có sự thay đổi về các điều ước quốc tế về quyền con người cũng như cơ chế báo cáo với các cơ quan của điều ước, chẳng hạn như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Những sự kiện như buổi công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III Việt Nam đã chấp thuận hôm nay là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới, giúp Việt Nam hoàn thành tốt hơn những cam kết quốc tế về quyền con người.
Một ví dụ điển hình mà tôi thấy được công bố trong báo cáo ngày hôm nay là, trong một thời gian tương đối ngắn, Việt Nam đã ra mắt nhiều Tòa Gia đình và người chưa thành niên trong hệ thống Tòa án Nhân dân với các thẩm phán được đào tạo chuyên biệt. Nếu như chỉ cách đây vài năm, Việt Nam hoàn toàn chưa có các mô hình tòa án kiểu này, thì hiện nay đã có 41 Tòa Gia đình và người chưa thành niên trên toàn quốc, và trong tương lai sẽ có ở mỗi tỉnh.
Đây cũng là một trong những cam kết về quyền con người của Việt Nam. Đó là đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật để củng cố nền tảng thể chế, pháp lý và chính sách liên quan đến quyền con người, tăng cường nội luật hóa các điều ước quốc tế về quyền con người vào pháp luật Việt Nam.
Với vai trò của mình, hệ thống các cơ quan Liên hợp quốc sẽ luôn sát cánh cùng Việt Nam thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, thúc đẩy các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Xin cảm ơn bà!
Cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc được ra đời từ năm 2008 và là một trong những thành công nổi bật, được xây dựng trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, không phân biệt, thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia. Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận. Trong chu kỳ III, Việt Nam đã nhận được 291 khuyến nghị từ 122 nước và đã chấp thuận 241 khuyến nghị trong số đó. Ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III Việt Nam đã chấp thuận, trong đó giao nhiệm vụ trực tiếp, cụ thể cho 18 bộ, ngành triển khai các khuyến nghị này. Kế hoạch tổng thể cũng đề ra nhiệm vụ xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện và giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để sơ kết việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể, cũng như hướng tới việc tham gia UPR chu kỳ IV (dự kiến trong 2024). Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR. Cho đến nay, với chỉ 79 quốc gia từng ít nhất một lần nộp Báo cáo giữa kỳ tự nguyện, và với chu kỳ III, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia đã xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện. |