Việt Nam là hình mẫu hiếm hoi về duy trì ổn định nền kinh tế trong thời COVID-19
Việt Nam đang được công nhận như là một hình mẫu hiếm hoi với thành công rõ nét trong duy trì sự ổn định của nền kinh tế giữa cơn “cuồng phong” COVID-19, ngay khi các nền kinh tế lớn khác đang phải lao đao bởi dịch bệnh mà chưa biết đến khi nào mới có thể phục hồi trở lại.
Thành công của Việt Nam trong duy trì và phát triển kinh tế thời COVID-19 khiến nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao |
GDP thực đã tăng lên đến 2.6% trong quý 3 vừa qua, đã thêm một lần nữa ghi dấu ấn với sự tăng trưởng của 2 quý liên tiếp trong thời điểm khó khăn của dịch bệnh. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhìn thấy sự trỗi dậy của Việt Nam ở vị trí thứ 4 đối với GDP danh nghĩa khi so sánh với các nước khác trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á năm 2020, qua mặt Singapore, Malaysia, và Philippines.
Không giống với các nền kinh tế thuộc các nước ASEAN khác, Việt Nam đã thành công trong việc khống chế và kiểm soát coronavirus. Bên cạnh đó, cùng sự dịch chuyển của các doanh nghiệp nước ngoài với chuỗi cung ứng và sản xuất từ Trung Quốc sang đất nước trọng điểm thuộc khu vực Đông Nam Á này đã góp phần vào khả năng duy trì và phát triển kinh tế một cách đầy ấn tượng.
Xuất khẩu đã tăng 9.9% với 26.7 tỷ USD tính đến tháng 10/2020, và Bộ Công Thương dự đoán mức tăng trưởng cả năm sẽ từ 3% lên 4%.
Mới đây, một tàu container trọng tải lớn của hãng Maersk cũng đã cập cảng Quốc tế Tân cảng - Cái Mép, cảng nước sâu trọng điểm lớn nhất ở phía Nam, vào hồi cuối tháng 10 vừa qua. Điều này đã đánh tan định kiến về việc những tàu hàng lớn từ lâu nay chỉ lựa chọn các cảng biển khác trong khu vực để neo đậu, chẳng hạn như ở Singapore, chứ không phải là một cảng nước sâu nào đó ở Việt Nam. Thế nhưng giờ đây, với năng lực xuất khẩu đang không ngừng tăng cao, các cảng nước sâu của Việt Nam đã trở thành “địa chỉ đỏ” đáng giá cho hàng loạt tàu hàng trên khắp thế giới, nhất là ở các nước phương Tây, lựa chọn để làm điểm đến.
Tàu container trọng tải lớn của hãng Maersk đã cập cảng Quốc tế Tân cảng - Cái Mép. Ảnh: PLO |
Điều này cho phép hàng hóa của Việt Nam được chuyển đến trực tiếp với khách hàng ở khắp nơi với chi phí vận chuyển được tiết giảm đáng kể, thời gian vận chuyển hàng được rút ngắn và vì thế càng khiến đất nước này trở thành một đối thủ đáng gờm trên thị trường xuất khẩu.
Cuộc thương chiến giữa 2 “ông lớn” Mỹ và Trung Quốc cũng vô tình tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam, khi hàng loạt các nhà máy đã và đang dịch chuyển từ đất nước tỷ dân sang một quốc gia ở Đông Nam Á đầy tiềm năng - nơi có lực lượng nhân công dồi dào có tay nghề cao nhằm tránh các áp lực về thuế quan do Mỹ đặt ra. Công ty điện tử Samsung Electronics, vốn đã “bám rễ” ở Trung Quốc hàng thập niên với các dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh, giờ đây đang tính đến phương án đóng cửa nhà máy để chuyển mảng sản phẩm máy tính cá nhân từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Cho đến nay, Việt Nam chỉ ghi nhận 1.300 ca nhiễm COVID-19. Chính nhờ thành tích kỳ diệu này mà nền kinh tế chỉ bị ảnh hưởng ở mức tối thiểu bởi tác động của đại dịch. Với việc đóng cửa trên diện rộng một cách quyết đoán kéo dài 3 tuần hồi tháng 4, và sau đó cho phép các hoạt động sản xuất được phục hồi trở lại ở trạng thái bình thường giúp đất nước này hồi sinh một cách thần tốc khiến không có quốc gia nào trong khu vực có thể bắt kịp.
Tình trạng thất nghiệp chưa đến mức khủng hoảng cũng như mức tiêu dùng của người dân, vốn chiếm tới 70% GDP, vẫn được duy trì ở mức ổn định cũng là những ưu điểm mà Việt Nam đã đạt được.
Samsung Electronics là một trong những "ông lớn" xem Việt Nam như là điểm đến đầy tiềm năng. Ảnh: Business Insider |
Trong khi IMF dự báo mức GDP cả năm của Việt Nam tăng 1.6% thì một số nước thuộc khu vực ASEAN lại đang trở nên bi quan hơn bao giờ hết, chẳng hạn: Singapore và Malaysia cùng nhau rớt 6% còn Thái Lan thì giảm sâu đến 7.1%.
Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi Indonesia, nền kinh tế lớn thứ 2 ở Đông Nam Á, đang hứng chịu mức lây nhiễm tăng cao kỷ lục trong khi Malaysia đang oằn mình hứng chịu làn sóng COVID-19 lần 2 tấn công trở lại khiến cho mục tiêu phục hồi kinh tế của những quốc gia này càng rời xa khỏi tầm tay với.
Mặc dù một số nước thuộc khối ASEAN được dự báo là sẽ có sự tăng tốc trong năm sau, thế nhưng không ai có thể phủ nhận được khả năng duy trì và phát triển kinh tế một cách rõ ràng của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021. Và nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo của chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra động lực cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.
Xây dựng và phát triển quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ vì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực Sáng 14/11/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020, đã chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần ... |
ICAEW: Việt Nam là nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á có thể tăng trưởng dương năm 2020 Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới do Công ty tư vấn Oxford Economics (được Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ ... |
CNBC: 'Kinh tế Việt Nam sáng nhất châu Á' Hãng tin CNBC và chuyên gia kinh tế của UBS cho biết, Việt Nam là một trong những điểm sáng nhất ở Châu Á, bất chấp ... |