Việt Nam hỗ trợ Sierra Leone phát triển chuỗi giá trị lúa gạo
Dự án có ngân sách ước tính 5 triệu USD được thực hiện thông qua Quỹ ủy thác đơn phương (UTF) từ Sierra Leone.
Theo thỏa thuận, trong 4 năm thực hiện dự án, Việt Nam sẽ cung cấp cho Sierra Leone những kiến thức chuyên môn về phát triển chuỗi giá trị lúa gạo. Các chuyên gia và kỹ thuật viên chuyên ngành lúa gạo, thủy lợi, nhân giống, cơ giới hóa và quản lý sau thu hoạch sẽ được triển khai đến các địa điểm khác nhau, bao gồm cả các trạm nghiên cứu. Ngoài ra, các sáng kiến xây dựng năng lực như tham quan học tập, đào tạo thực địa và đào tạo giảng viên sẽ được triển khai để trao quyền cho các bên liên quan tại địa phương.
Sierra Leone, FAO và Việt Nam hợp tác phát triển sản xuất lúa gạo tại Sierra Leone (Ảnh: FAO). |
Tại lễ ký kết, ông Abu Bakarr Karim - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và An ninh Lương thực Sierra Leone đánh giá cao Việt Nam trong việc cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật thông qua Hợp tác Nam-Nam của FAO. Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam đối với ngành nông nghiệp Sierra Leone.
Dự án ba bên mới sẽ hỗ trợ Sierra Leone tăng năng suất và sản lượng lúa gạo thông qua tăng khả năng tiếp cận các công nghệ cải tiến và nâng cao các phương pháp thực hành tốt nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo.
Hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Sierra Leone đã diễn ra cách đây gần 20 năm khi chuyên gia nông nghiệp - GS.TS Võ Tòng Xuân được Sierra Leone mời sang hỗ trợ nước này trồng lúa, khắc phục tình trạng thiếu hụt lương thực. Năm 2006, qua khảo sát GS Xuân và các cộng sự nhận thấy Sierra Leone đất rộng, người thưa, điều kiện khí hậu khá giống với Đồng bằng sông Cửu Long... nhưng phần lớn người dân thường xuyên đối mặt với thiếu đói là do thiếu trình độ và kỹ thuật canh tác.
GS Xuân và các cộng sự đã mang sang Sierra Leone 50 giống lúa cao sản và 10 giống lúa chất lượng cao của Đồng bằng sông Cửu Long, trồng thử nghiệm tại khu Mange Bureh và tại trại nghiên cứu Rokupr. Cùng với đó, các kỹ sư thủy lợi thiết kế hệ thống tưới tiêu 200ha tại khu thực nghiệm Mange Bureh và xây dựng hệ thống tưới tiêu theo thiết kế...
Kết quả, các chuyên gia Việt Nam trồng được 2 vụ lúa, năng suất đạt khoảng 4,7 tấn/ ha. Thời gian sinh trưởng của cây lúa chỉ từ 95 đến 100 ngày. Không những thế, các chuyên gia còn tích trữ được lượng lúa giống đủ để gieo trồng ở diện rộng.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 3/2022, Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio khẳng định nước ông đặc biệt ngưỡng mộ các thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và mong nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm từ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng Sierra Leone tìm kiếm các mô hình phù hợp nhằm đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt trong trồng và chế biến lúa gạo.
FAO đã hỗ trợ nhiều quốc gia ở châu Phi như Nigeria, Senegal, Tanzania và Uganda... giải quyết những thách thức đối với chuỗi giá trị lúa gạo. Thông qua các hoạt động xây dựng năng lực cấp quốc gia, các sự kiện trao đổi kiến thức khu vực và các chuyến tham quan học tập, FAO tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ các thực hành tốt, bài học kinh nghiệm và phổ biến các phân tích về chuỗi giá trị lúa gạo. Để thực hiện việc này, FAO thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ với các tổ chức như Trung tâm Lúa gạo châu Phi (AfricaRice) và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), mang chuyên môn đến với lợi ích của những người thụ hưởng mục tiêu. |