Việt Nam tận dụng Hiệp định AfCFTA để mở rộng hợp tác nông nghiệp, y tế... với châu Phi
Hội thảo có sự tham gia của các nhà ngoại giao, nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp của Việt Nam, châu Phi và quốc tế.
Khai mạc hội thảo, TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, hội thảo là diễn đàn để các khách mời chia sẻ về việc thực hiện AfCFTA, các quy định, điều khoản, những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện AfCFTA cũng như phân tích và đánh giá cơ hội và thách thức hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi khi AfCFTA hoàn thành, để từ đó tìm ra phương thức tiếp cận mới trong quan hệ hợp tác giữa các bên. Đây đồng thời là cơ hội để kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với khách hàng và doanh nghiệp với chính phủ của Việt Nam với các quốc gia châu Phi và quốc tế nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục…
Các khách mời thảo luận tại Phiên 2 của hội thảo (Ảnh: Thành Luân). |
Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), AfCFTA mở nhiều cơ hội hợp tác giữa châu Phi và Việt Nam, giúp Việt Nam thực hiện Đề án của Chính phủ “Phát triển quan hệ Việt Nam và Liên minh châu Phi giai đoạn 20121-2025”, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, phát triển nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, công nghệ viễn thông, đào tạo, giáo dục, văn hóa, du lịch.
Bà khẳng định, VUFO, các tổ chức hữu nghị thành viên giữa Việt Nam và châu Phi đã, đang và sẽ tích cực thúc đẩy giao lưu nhân dân, quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư, hợp tác văn hóa, khoa học và giáo dục giữa Việt Nam với các quốc gia châu Phi; góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước châu Phi vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì sự phát triển công bằng và bền vững.
Hội thảo diễn ra hai phiên, trong đó Phiên 1 mang chủ đề "Thúc đẩy thực thi AfCFTA: Thực trạng và triển vọng đối với châu Phi". Phiên 2 có chủ đề "Đối tác để AfCFTA thành công: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam".
Theo ông Silver Ojakol, Trưởng ban thư ký AfCFTA, AfCFTA đặt mục tiêu trong vòng 10 năm (1/2021-1/2030) gỡ bỏ được 90% số dòng thuế và đến năm 2033 gỡ bỏ 97% số dòng thuế được gỡ bỏ). |
Các đại biểu chỉ ra rằng, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang châu Phi gồm hàng công nghiệp (máy móc chế biến nông sản, điện thoại, linh kiện điện thoại…), nông nghiệp (nông sản, thực phẩm, cà phê, chè, hạt tiêu, thủy hải sản), hàng chế biến… Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ châu Phi những mặt hàng chủ yếu là nguyên liệu thô (bông, điều, gỗ…).
Hàng hóa của hai bên có tính bổ sung cho nhau, do vậy khi AfCFTA được khiển khai sẽ là cơ hội để những hàng hóa có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam thâm nhập nhiều hơn vào thị trường châu Phi và ngược lại, Việt Nam cũng được hưởng lợi khi nhập khẩu các hàng hóa, nguyên liệu thô từ thị trường châu Phi, nâng kim ngạch thương mại song phương tăng đáng kể. Hơn thế nữa, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại châu Phi cũng được tạo điều kiện nhờ AfCFTA, cụ thể như giảm thủ tục hành chính, ưu đãi về thuế…
Những việc Việt Nam cần làm để tận dụng AfCFTA
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Phó Chủ tịch Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam - châu Phi (VAECA) cho biết, hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước châu Phi sẽ được nâng lên tầm cao mới khi Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vừa thành lập Văn phòng hợp tác Nam - Nam. Việt Nam đã giúp các nước châu Phi nhận chuyển giao công nghệ, đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời hỗ trợ quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Thời gian tới Việt Nam sẽ cử chuyên gia nông nghiệp sang hỗ trợ châu Phi nhiều hơn và sẽ có thêm các dự án hợp tác nông nghiệp để nhân rộng thành công.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: Thành Luân). |
Dẫn trường hợp của Sierra Leone làm ví dụ, PGS.TS Đào Thế Anh cho biết, việc trồng trọt nước này thiếu dịch vụ hỗ trợ, đầu vào. Có AfCFTA, hậu cần cung ứng sẽ được cải thiện, dịch vụ hỗ trợ được tăng cường, nhờ đó nông nghiệp Sierra Leone sẽ khởi sắc hơn. Sierra Leone có tham vọng đầu tư vào hệ thống nghiên cứu không chỉ ở nước họ mà còn mở rộng ra các nước khác trong khu vực. PGS.TS Đào Thế Anh nói và cho rằng cần chuẩn bị đội ngũ chuyên gia, đưa ra các ý tưởng, dựa vào các đối tác để kết nối với người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ở các nước châu Phi.
Ông Jamale Chouaibi, Đại sứ Vương quốc Ma-rốc tại Việt Nam cũng cho hay, bên cạnh nông nghiệp, Việt Nam có thể đẩy mạnh hợp tác, đầu tư vào y tế (đặc biệt là vaccine) vào châu Phi. Việt Nam có quan hệ tốt với các quốc gia châu Phi, đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam thâm nhập thị trường giàu tiềm năng này.
Trong khi đó, TS Blessing Chipanda, nhà tư vấn nghiên cứu, tương lai và đổi mới sáng tạo châu Phi, Viện Nghiên cứu An ninh, Pretoria, Nam Phi cho rằng, đa số các nước châu Phi có trình độ phát triển công nghệ chưa cao, để thành công các nền kinh tế ở khu vực này cần du nhập thêm nhiều tri thức công nghệ và đây là cơ hội của Việt Nam. Việt Nam có thể xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chất lượng công nghệ cao vào châu Phi như máy móc, thiết bị...
Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á-châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương đã có nhiều nghiên cứu để đưa hàng Việt Nam vào châu Phi nhằm tận dụng AfCFTA. Trong đó khuyến khích doanh nghiệp Việt đầu tư vào các nước châu Phi để tăng cường xuất khẩu vào khu vực này. Mở nhà máy sản xuất điều tại châu Phi để xuất khẩu sang các nước thứ ba là một ví dụ.
Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế Quốc dân, Việt Nam cần nâng cấp triệt để các quan hệ truyền thống và quan hệ hiện có với các nước châu Phi; thúc đẩy kết nối doanh nghiệp, tăng cường các cuộc khảo sát thị trường, hội chợ, triển lãm để khai thác triệt để các cơ hội hiện có, mở ra cơ hội mới, coi trọng quản trị rủi ro trong thương mại, đầu tư.
Cùng với đó, Việt Nam cần xây dựng các hình thức hợp tác mới, trao đổi các mô hình kinh doanh, kinh tế mới như kinh doanh số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; phát triển các nền tảng kết nối trực tuyến để giảm thiểu chi phí giao dịch, phát triển mạnh các diễn đàn, hội thảo, hội nghị, giao lưu, trao đổi nhằm hiểu biết cụ thể thông tin của từng đối tác thành viên và bên ngoài.
Hợp tác phát triển các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, các sáng kiến, mô hình giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 18 ở Addis Ababa, Ethiopian vào tháng 1/2012, các nguyên thủ châu Phi đã ra quyết định thành lập Khu vực tự do thương mại lục địa châu Phi (gọi tắt là AfCFTA). Sau hơn 7 năm chuẩn bị, đến tháng 5/2019, Hiệp định AfCFTA bắt đầu có hiệu lực với sự phê chuẩn của 22 quốc gia châu Phi đầu tiên. T Tính đến nay, đã có 46 quốc gia châu Phi chính thức phê chuẩn Hiệp định AfCFTA. Khi hoàn thành, AfCFTA sẽ là khu vực tự do thương mại lớn nhất trên thế giới, với thị trường gồm 1,3 tỷ người và GDP là 3.400 tỷ USD. |