Việt Nam - EU: sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, nông nghiệp và bảo vệ môi trường
Tham dự Phiên họp, có đại diện Cơ quan Đối ngoại Châu Âu, Tổng vụ Đối tác quốc tế thuộc Ủy ban châu Âu (EC), các Đại sứ, đại diện của Phái đoàn EU và đại sứ quán các nước EU tại Việt Nam, đại diện Văn phòng Chính phủ Việt Nam cùng các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài chính...
Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - EU. (Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản) |
Tại Phiên họp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định EU là một trong những đối tác kinh tế và phát triển quan trọng hàng đầu của Việt Nam, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU cũng như quan hệ với các nước thành viên EU. Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - EU đang phát triển rất năng động và đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó Ủy ban hỗn hợp là cơ chế quan trọng và hữu hiệu trong việc điều phối hợp tác giữa hai bên trên tất cả các lĩnh vực.
Phía EU đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng như vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam tại khu vực và các diễn đàn đa phương. Khẳng định Việt Nam là đối tác ưu tiên của EU ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, EU mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác nâng quan hệ lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, vị thế của hai bên.
Tại phiên họp, các đại biểu thảo luận nhiều chủ đề chuyên sâu trong các lĩnh vực hợp tác song phương, bao gồm các vấn đề chính trị, hợp tác quốc phòng - an ninh, thương mại - đầu tư, phát triển bền vững, hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng bền vững, hỗ trợ Việt Nam đáp ứng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Quy định chống phá rừng của EU (EUDR); hợp tác về giao thông bền vững trong khuôn khổ Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu...
Theo đó, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, nhất là cấp cao nhân dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025 (1990 - 2025); mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, nông nghiệp, môi trường, cũng như các lĩnh vực hợp tác mới; triển khai hiệu quả các thỏa thuận, cơ chế hợp tác, bao gồm các cơ chế Đối thoại Quốc phòng - An ninh, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các tiểu ban Các vấn đề chính trị, Phát triển bền vững, Quản trị tốt, pháp quyền và quyền con người trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp...
Hai bên chia sẻ lập trường về việc cần tăng cường phối hợp giải quyết các thách thức toàn cầu, trong đó có các vấn đề an ninh phi truyền thống; nhất trí về tầm quan trọng và đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc tại khu vực. Phía EU đặc biệt đề cao vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Đối tác chiến lược ASEAN - EU.
Trao đổi về các diễn biến an ninh gần đây, hai bên nhấn mạnh sự cần thiết giảm leo thang căng thẳng ở các điểm nóng; giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, có tính đến lợi ích hợp pháp của các bên trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Về Biển Đông, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không tại khu vực. Đồng thời cho rằng tất cả các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (bên phải) và Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Cơ quan Đối ngoại của Liên minh Châu Âu Niclas Kvarnström. (Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản) |
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị EU thúc đẩy Nghị viện một số nước thành viên của Khối sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Bà cũng mong muốn phía EU ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), có tính đến lợi ích của người tiêu dùng EU để sớm gỡ bỏ Thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam. Cùng với đó hỗ trợ tối đa về tài chính, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để Việt Nam triển khai hiệu quả JETP, trong đó có việc hỗ trợ Việt Nam thiết lập thị trường chứng chỉ carbon có kết nối với thị trường quốc tế và triển khai các dự án về hydrogen xanh.
Ông Niclas Kvarnström, Tổng Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương của Cơ quan Đối ngoại Châu Âu khẳng định, EU ủng hộ và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 thông qua triển khai hiệu quả JETP; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới như công nghệ sạch, chuyển đổi số, công nghệ cao, bao gồm bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, nguyên liệu thô, đổi mới sáng tạo… trong khuôn khổ các sáng kiến hợp tác với khu vực như Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu của EU.
Chuyên gia Slovenia đánh giá cao tiềm năng hợp tác với Việt Nam Nguyên Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế Slovenia, nguyên Tổng Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Slovenia (CCIS), ông Ales Cantarutti nhấn mạnh Slovenia coi Việt Nam là đối tác quan trọng bậc nhất ngoài EU, đồng thời nhận định hai nước có nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau như lao động, du lịch, logistic, xuất nhập khẩu nông sản... |
EU: Vắc-xin ngừa đậu mùa khỉ cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu Phê duyệt vắc-xin phòng chống virus đậu mùa khỉ (mpox) cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu của cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu khi quốc gia thành viên là Thụy Điển ghi nhận ca nhiễm mpox đầu tiên hôm 16/8. |