Liên minh châu Âu chi 3,7 tỷ USD bảo vệ đại dương
Với chủ đề “Đại dương tiềm năng”, Hội nghị “Đại dương của chúng ta 2024” vừa diễn ra ở thủ đô Athens (Hy Lạp) trong 2 ngày 16 và 17/4. Tham gia hội nghị có 12 nguyên thủ quốc gia, 70 bộ trưởng và các đại biểu đến từ 115 quốc gia.
Các đại biểu tham gia Hội nghị “Đại dương của chúng ta 2024” |
Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các quốc gia ưu tiên phê chuẩn hiệp ước của Liên hợp quốc nhằm bảo vệ các đại dương trên thế giới khỏi nạn đánh bắt quá mức và các hoạt động khác của con người. EU và chính phủ các nước Bỉ, Bermuda, Chile, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hàn Quốc, Nigeria, Palau, Philippines, Seychelles cam kết rằng hiệp ước "Biển cả" sẽ nhanh chóng đạt được 60 phê chuẩn cần thiết để có hiệu lực.
Hiệp ước toàn cầu nhằm bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng biển khơi đã được Liên hợp quốc chính thức thông qua vào năm ngoái. Đây được coi là một công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu bảo vệ 30% diện tích đất và biển của Trái đất vào năm 2030, được gọi là "30 by 30". Cho đến nay, 4 quốc gia - Palau, Chile, Belize và Seychelles - đã chính thức phê chuẩn hiệp ước, trong khi 89 quốc gia khác đã ký kết và bày tỏ ý định phê chuẩn hiệp ước.
Ủy viên EU về Môi trường, Đại dương và Thủy sản Virginijus Sinkevicius cho biết: “Chúng tôi hy vọng thu thập được 60 phê chuẩn khác cần thiết để thỏa thuận có hiệu lực càng sớm càng tốt. Bảo vệ đại dương thuộc trách nhiệm chung của chúng ta”.
Kể từ khi được tổ chức từ năm 2014 đến nay, Hội nghị “Đại dương của chúng ta” đã huy động được hơn 2.160 cam kết trị giá khoảng 130 tỷ USD. Tổng cộng hơn 400 cam kết mới trị giá 10 tỷ USD đã được công bố trong hội nghị năm nay. Trong đó, 40 cam kết của EU bao gồm: Chống ô nhiễm biển đến hỗ trợ nghề cá bền vững, đầu tư vào nền kinh tế xanh, sử dụng bền vững tài nguyên biển và nước ngọt cho hoạt động kinh tế. EU cam kết chi 3,5 tỷ euro (3,71 tỷ USD) để bảo vệ đại dương và thúc đẩy sự bền vững thông qua một loạt sáng kiến trong năm nay.
Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU hồi tháng trước cho biết nhiệt độ đại dương đã đạt mức cao kỷ lục vào tháng 2. Đánh bắt quá mức và ô nhiễm nhựa cũng là những mối đe dọa lớn đối với đại dương. Do đó, phần lớn nhất trong quỹ của EU sẽ được sử dụng để hỗ trợ 14 khoản đầu tư và một cuộc cải cách trong nghề cá và nuôi trồng thủy sản bền vững ở Síp, Hy Lạp, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Các sáng kiến khác của EU nhằm mục đích giúp các nước châu Phi phát triển nền kinh tế xanh của họ.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis |
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết, Hy Lạp sẽ chi 780 triệu euro cho 21 cam kết, trong đó có lệnh cấm đánh bắt bằng lưới kéo đáy ở tất cả các khu bảo tồn biển. Nước này cũng cam kết thành lập thêm 2 công viên biển, một ở Biển Aegean để bảo vệ các loài chim biển và một ở Biển Ionian để bảo vệ các loài động vật có vú ở biển, sẽ bao phủ hơn 4.000 km2. Ngoài ra, tăng quy mô của các khu bảo tồn biển lên 80% và bao phủ gần 1/3 lãnh thổ biển. Theo ông Mitsotakis, đây là "một khoản trả trước đáng kể cho sức khỏe tương lai của đại dương".
EU hỗ trợ Việt Nam gỡ “thẻ vàng IUU” trong quy trình đánh bắt thủy hải sản Đây là nội dung trao đổi giữa Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và ông Daniel Caspary, Trưởng Đoàn Nghị sỹ Nghị viện châu Âu phụ trách quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN trong buổi gặp gỡ vào chiều 20/6 tại Hà Nội. |
Liên minh châu Âu thúc đẩy nguồn năng lượng tái tạo Liên minh châu Âu (EU) đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh bằng cách thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thực hiện cam kết đi đầu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu. |