Việt Nam có thêm Trung tâm cứu hộ gấu ở Vườn quốc gia Bạch Mã
Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2 tại Vườn Quốc gia Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế) có diện tích 12,7ha, dự kiến hoàn thành toàn bộ các hạng mục vào năm 2026 với 12 nhà gấu và 12 khu bán hoang dã, khu hành chính và nghỉ dưỡng cho nhân viên, khu cách ly, khu bệnh viện thú y, khu chế biến thức ăn cho gấu, khu giáo dục truyền thông, khu xử lý chất thải và các khu tiện ích cơ sở hạ tầng khác.
Dự án có tổng kinh phí 10,5 triệu USD (tương đương 242,5 tỷ đồng) do Tổ chức Động vật châu Á viện trợ không hoàn lại.
Lễ giới thiệu Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam II tại Vườn quốc gia Bạch Mã. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam |
Theo ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã: "Với quy mô nuôi hơn 300 cá thể gấu tại Trung tâm cứu hộ gấu ở Bạch Mã, tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ sớm chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật; và quan trọng hơn là các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt sẽ được chuyển về đây và sống một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Số liệu của Cục Kiểm lâm Việt Nam cho thấy, hiện còn khoảng 870 cá thể gấu đang được nuôi trong các cơ sở tư nhân và các hộ gia đình và có hơn 300 cá thể gấu đã được đưa về các trung tâm cứu hộ gấu do Nhà nước quản lý.
Tổ chức Động vật Châu Á được thành lập bởi TS. Jill Robinson MBE từ năm 1998, bắt đầu cứu hộ gấu tại Việt Nam từ năm 2006. Tới nay, Tổ chức đã cứu hộ và chăm sóc 239 cá thể gấu ngựa và gấu chó tại Việt Nam, trong đó 192 cá thể đang được chăm sóc trong an toàn và tự do tại Trung tâm cứu hộ gấu được vinh danh và đạt tiêu chuẩn quốc tế - Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tổ chức Động vật châu Á cho biết, các cá thể gấu trưởng thành mà đơn vị này tiếp nhận ở Việt Nam đều bị các bệnh lý rất khác nhau, chẳng hạn như: tổn thương túi mật; sẹo ở các cơ quan trong ổ bụng và sỏi mật do quá trình hút mật; răng bị vỡ và sâu do chế độ ăn uống không hợp lý; mất chi do bị săn bắt từ tự nhiên; nhiều bệnh về mắt; còi xương; viêm khớp và gãy xương; bệnh tim; ung bướu; bàn chân, bàn tay bị chai và nứt do phải đứng lâu trên các thanh sắt; nhiễm trùng da và tai; rụng lông do cọ xát với lồng nuôi nhốt; cơ thể hốc hác hoặc béo phì do không được vận động và được nuôi với chế độ ăn uống nghèo nàn và không hợp lý.
Mặc dù rất nhiều cá thể gấu được Tổ chức Động vật châu Á tiếp nhận đều trong tình trạng sức khỏe kém, nhưng hầu hết chúng đều hồi phục tốt.