Vì sao 1400 bị hại xin giảm nhẹ cho cha con ông Đỗ Anh Dũng?
Sáng 19/3, dự kiến, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Đỗ Anh Dũng (SN 1961), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh và con trai là bị cáo Đỗ Hoàng Việt (SN 1994, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng bị xét xử tội danh trên còn có 13 bị cáo khác.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 20 ngày do Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn làm chủ tọa phiên tòa. Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Dũng. Luật sư Nguyễn Văn Tú, Công ty Luật Fansi bào chữa cho bị cáo Đỗ Hoàng Việt.
Bị cáo Đỗ Anh Dũng. |
Đáng chú ý, TAND TP Hà Nội thông báo sẽ triệu tập 6.630 bị hại đến phiên tòa ngày 19/3. Trước phiên tòa, đã có 1.420 người đã có đơn xin giảm nhẹ cho cha con ông Đỗ Anh Dũng. Toàn bộ đơn cùng tài liệu liên quan đã được nộp hội đồng xét xử.
Trong đơn, các bị hại là "hầu hết không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp" đã đề nghị Tòa án, Viện Kiểm sát xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo, với lý do toàn bộ các bị cáo đều đã hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thừa nhận hành vi sai phạm, có nhân thân tốt.
Đối với hai bị cáo Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh, Đỗ Hoàng Việt (con trai bị cáo Dũng) - Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh, các bị hại đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét, áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt vì trong thời gian ngắn họ đã nỗ lực khắc phục hoàn toàn 100% số tiền của người mua trái phiếu (hơn 8.600 tỉ đồng) vào Kho bạc Nhà nước.
Các bị hại cho rằng, hành vi khắc phục hậu quả của bị cáo Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt không những thể hiện sự ăn năn, hối cải của bị cáo, mà còn giúp cho họ giải tỏa được tâm lý lo lắng, tạo niềm tin cho xã hội đối với các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Theo cáo trạng, quá trình điều tra đến nay, ông Đỗ Anh Dũng đã nộp lại và Cơ quan điều tra Bộ Công an thu hồi tổng cộng hơn 8.600 tỷ đồng, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Ông Đỗ Anh Dũng cũng được ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ là quá trình điều hành hoạt động của Tập đoàn Tân Hoàng Minh có nhiều thành tích, cống hiến cho xã hội, tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội, được tặng nhiều bằng khen…
Nhận định về việc một số bị hại đề nghị xem xét, áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt đối với cha con ông Đỗ Anh Dũng vì đã nỗ lực khắc phục hoàn toàn số tiền hơn 8.600 tỷ đồng, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc các bị cáo tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo ăn năn hối cải và được các bị hại có đơn xin giảm nhẹ là tình tiết quan trọng để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt đối với các bị cáo.
Theo luật sư Cường, trong vụ án, các bị cáo bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng thu thập các chứng cứ để chứng minh thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản làm căn cứ buộc tội. Những chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội sẽ được tòa án kiểm tra đánh giá và sử dụng làm căn cứ giải quyết vụ án trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa tới đây.
Pháp luật quy định lời nhận tội không phải là căn cứ duy nhất để kết tội, lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể là căn cứ buộc tội nếu lời nhận tội này phù hợp với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, những chứng cứ được thẩm tra đánh giá công khai tại phiên tòa.
Quá trình điều tra vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá các bị cáo thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bởi vậy, nếu những lời nhận tội phù hợp với các tài liệu chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu thập được chứng minh các bị cáo đã có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của những người bị hại, về mặt tội danh thì có lẽ sẽ không xảy ra tranh cãi tại phiên tòa. Tuy nhiên, căn cứ để quyết định hình phạt thế nào cho phù hợp đối với từng bị cáo là vấn đề quan trọng sẽ làm rõ tại phiên tòa tới đây.
Bộ luật Hình sự quy định trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong đó có ít nhất 2 tình tiết quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự, tòa án có thể xét xử bị cáo ở khung hình phạt thấp hơn khung hình phạt mà Viện Kiểm sát đã đề nghị truy tố theo Điều 54 về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng.
Theo đó, trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các bị cáo trong vụ án này cũng có thể được xét xử ở dưới khung hình phạt, các bị cáo với vai trò chủ mưu cầm đầu, thực hành tích cực cũng có thể được xem xét ở mức thấp của khung hình phạt bị truy tố (trong khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự), còn những bị cáo có vai trò thứ yếu giúp sức, không hưởng lợi hoặc hưởng lợi không lớn, có thể được xét xử ở dưới khung hình phạt.
Căn cứ quyết định hình sự phạt đối với người phạm tội sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự về loại hình phạt, mức hình phạt trong các khung, khoản, về chuyển khung hình phạt (nếu có) đồng thời căn cứ vào tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Cụ thể điều 50 của Bộ luật Hình sự quy định: "Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.".
Ngoài ra, khoản 2, Điều 51 bộ luật hình sự cũng quy định: "Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án." Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Bởi vậy, trong trường hợp người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường sửa chữa hoặc khắc phục hậu quả. đó là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đáng kể. Trường hợp người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, đó là tình tiết giảm nhẹ có thể xem xét theo khoản 2, điều 51 Bộ luật Hình sự, tình tiết này "không đáng kể" bằng các tình tiết theo khoản 1, điều 51.
Tuy nhiên, đối với việc đề nghị áp dụng chính sách "khoan hồng đặc biệt", có thể sẽ không được xem xét chấp nhận.
Theo cáo trạng, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) có vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng được bị can Đỗ Anh Dũng sáng lập từ năm 1993. Để hoạt động theo mô hình tập đoàn, ông Đỗ Anh Dũng cho thành lập hoặc mua lại cổ phần, vốn góp của 45 công ty rồi chỉ định người đứng tên pháp nhân. Các công ty này đều hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đỗ Anh Dũng.
Năm 2021, do vay nợ lớn, các dự án mới chưa thể triển khai và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn về tài chính, nợ vay gần 20.000 tỷ đồng. Do nhiều khoản nợ đến hạn và quá hạn, Đỗ Anh Dũng đã chỉ đạo con trai là Đỗ Hoàng Việt nghiên cứu phương án, cách thức huy động vốn cho công ty. Kế hoạch sử dụng các công ty con gian dối phát hành trái phiếu nhằm huy động tiền cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh được hình thành. Chủ trương được chọn là phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đỗ Anh Dũng thống nhất chủ trương cùng Đỗ Hoàng Việt sử dụng pháp nhân ba công ty ngụy tạo các hoạt động kinh doanh bằng các hợp đồng khống như hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần để phát hành các gói trái phiếu riêng lẻ huy động vốn. Theo kế hoạch, Tập đoàn Tân Hoàng Minh thông đồng với nhóm tại Công ty Kiểm toán Nam Việt (chi nhánh phía Bắc) và Công ty CPA Hà Nội để kiểm toán, hợp thức số liệu báo cáo tài chính năm 2020 - 2021 cho các công ty có đủ điều kiện phát hành trái phiếu. Ngay từ khi họp bàn lên kế hoạch, nhóm thông đồng đã thống nhất không sử dụng pháp nhân Tập đoàn Tân Hoàng Minh để phát hành trái phiếu do đơn vị này có nhiều công ty con nên số liệu tài chính phức tạp. Đỗ Anh Dũng sử dụng các công ty con thuộc tập đoàn để phát hành trái phiếu riêng lẻ có tài sản đảm bảo để tạo niềm tin, thu hút nhiều người mua trái phiếu. Việc này nhằm tạo lập giá trị ảo các gói trái phiếu cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh để bán trái phiếu rộng rãi cho người dân. Cơ quan truy tố cáo buộc mục đích của Tập đoàn Tân Hoàng Minh là “huy động và chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư thứ cấp”, trong đó chủ yếu là người dân, những nhà đầu tư không chuyên. Với các thủ đoạn trên, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã huy động được gần 14.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành, mua bán 9 gói trái phiếu trái pháp luật. Cáo trạng xác định, có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỷ đồng. Trong đó, Đỗ Anh Dũng giữ vai trò chủ mưu, chịu trách nhiệm về số tiền đã chiếm đoạt. Quá trình điều tra đến nay, Đỗ Anh Dũng đã nộp lại và Cơ quan điều tra Bộ Công an thu hồi tổng cộng hơn 8.600 tỷ đồng, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Bị cáo cũng được ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ là quá trình điều hành hoạt động của Tập đoàn Tân Hoàng Minh có nhiều thành tích, cống hiến cho xã hội, tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội, được tặng nhiều bằng khen… |
Bức hoạ cảnh quan, tiện ích trong “Quần thể du lịch không ngủ” tỷ đô của Tân Hoàng Minh Sở hữu một vị trí hiếm có tại đảo Ngọc, tổ hợp quần thể du lịch không ngủ được đầu tư hệ thống tiện ích cảnh quan đắt giá, cùng những dịch vụ đẳng cấp quốc tế, hứa hẹn trở thành siêu dự án giải trí và du lịch của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại Phú Quốc. |
Tân Hoàng Minh giải bài toán xây hàng triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chỉ trong vòng 6 tháng Sắp tới đây sẽ có hàng triệu m2 Nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) được xây dựng bằng phương pháp công nghệ hiện đại 4.0. Nhà phát triển bất động sản cao cấp Tân Hoàng Minh sẽ cung cấp cho thị trường hàng loạt các khu nhà ở cho người lao động thu nhập thấp với giá rẻ hơn từ 40-60% giá thành xây dựng nhà ở thông thường. |
Theo Tri thức và Cuộc sống
https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/vi-sao-1400-bi-hai-xin-giam-nhe-cho-cha-con-ong-do-anh-dung-1969289.html