Vì dịch COVID-19, 25 triệu người trên toàn cầu có thể mất việc
Dịch COVID-19 góp phần "thổi bay" 1.300 tỷ USD của 4 đại gia công nghệ |
Vì dịch COVID-19, kinh tế thế giới có thể thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD |
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa công bố báo cáo đánh giá sơ bộ "COVID-19 và thế giới việc làm: Tác động và giải pháp", trong đó nhận định về ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới tình hình lao động trên toàn cầu.
Theo báo cáo, tác động của dịch bệnh sẽ tiếp tục mở rộng, khiến hàng triệu người lao động (NLĐ) phải rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm và rớt xuống dưới chuẩn nghèo.
Dựa vào các kịch bản khác nhau mà dịch COVID-19 tác động tới tăng trưởng GDP toàn cầu, ILO ước tính: Số người thất nghiệp sẽ tăng thêm khoảng 5,3-24,7 triệu người, trong khi hiện có 188 triệu người không có việc làm trong năm 2019.
Tình trạng thiếu việc làm (không sử dụng được đầy đủ khả năng làm việc của NLĐ có việc làm) cũng được dự báo sẽ tăng theo diện rộng, khi tác động về kinh tế của COVID-19 sẽ làm giảm cả giờ làm lẫn tiền lương.
Sẽ có thêm hàng triệu lao động thất nghiệp vì dịch COVID-19 (Ảnh minh hoạ) |
Giảm số lượng việc làm đồng nghĩa người lao động sẽ mất đi nguồn thu nhập lớn mà theo ILO ước tính là tương đương 860 - 3.400 tỷ USD trong năm 2020. Điều này dẫn tới giảm tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ, tác động tới triển vọng của doanh nghiệp và các nền kinh tế.
Cũng theo dự báo, tình trạng lao động nghèo sẽ gia tăng đáng kể bởi việc giảm thu nhập do suy giảm hoạt động kinh tế sẽ ảnh hưởng xấu tới những NLĐ cận nghèo hoặc sống dưới chuẩn nghèo. So với ước tính trước đây, sẽ có thêm 8,8-35 triệu NLĐ rơi vào đói nghèo.
Báo cáo của ILO cảnh báo tác động của cuộc khủng hoảng việc làm là không đồng đều, dẫn tới gia tăng bất bình đẳng giữa các nhóm lao động. Trong đó, lao động trẻ và lao động cao tuổi, phụ nữ và lao động di cư là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Để có thể làm giảm bớt tác động của dịch bệnh đến tình hình lao động thế giới, ILO cho rằng có thể đưa ra giải pháp chính sách đối phó một cách đồng bộ ở tầm quốc tế, như giai đoạn khủng hoảng tài chính 2007-2009 đã khiến 22 NLĐ mất việc làm.
Theo Tổng Giám đốc ILO, ông Guy Ryder, COVID-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu mà còn là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với thị trường lao động và kinh tế. Người đứng đầu ILO kêu gọi thế giới "cho thấy sự đồng lòng" để cùng nhau giải quyết hậu quả của khủng hoảng.