Vẻ đẹp hoa trẩu Tây Bắc
Hoa trẩu be bé, trắng xinh với những chiếc nhuỵ vàng và cuống nhuỵ đỏ hồng (Ảnh minh họa). |
Cây trẩu hay còn được gọi là cây dầu sơn, là loài cây trồng lấy gỗ, quả trẩu có tác dụng chữa bệnh. Loài cây này thường mọc ở những vùng núi cao hẻo lánh như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Bình Liêu (Quảng Ninh) hay trong những cánh rừng trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Trẩu là cây thân gỗ to, có thể cao tới trên 8m, thân vỏ nhẵn, lá có hình thù đa dạng, một mặt bóng sẫm, mặt dưới nhạt màu hơn. Hoa trẩu thường nở rộ từ đầu tháng 4, và tháng 9 hàng năm và đậu quả vào khoảng tháng 10.
Người dân vùng cao thường trồng cây trẩu để lấy gỗ làm nhà do cây có thân thẳng, gỗ không bị mối mọt. Hạt trẩu được thu lượm để ép lấy dầu dùng trong chế biến sơn, keo. Còn vỏ cây lại là một loại thuốc trong y học cổ truyền.
Cây trẩu vốn rất gắn bó với đời sống của bà con dân tộc thiểu số. Cứ mỗi mùa hoa trẩu về, núi rừng như lại được khoác lên một màu áo mới, bừng sáng tinh khôi và tràn đầy nhựa sống. Hương thơm của hoa trẩu nhẹ nhàng quyến luyến, lẩn khuất trong những tán cây.
Hoa trẩu tuy nhỏ bé nhưng lại tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, núi rừng. Những bông hoa ngay cả khi đã lìa cành rơi xuống mặt đất vẫn giữ nguyên nét đẹp tinh khiết, rạng rỡ, tưởng như những ngôi sao lấp lánh vừa sa xuống từ bầu trời.
Những bông hoa trẩu trắng như tuyết, đậu trên những vòm lá xanh non tô điểm thêm cho vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc. Hoa nở bung nhưng không kiêu sa mà lại e ấp. Hoa trẩu không nức tiếng như hoa ban, hoa đào, đỗ quyên... mà có chút gì đó đơn sơ, tạo nên điểm nhấn cho đất trời Tây Bắc mỗi độ tháng Tư về.