Tỷ lệ hộ nghèo tại Thanh Hóa giảm bình quân 2,54%/năm
Thanh Hóa là một trong nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh, bền vững. |
Ông Lò Văn Cầm, dân tộc Thái ở thôn Yên Lập, xã biên giới Yên Khương (Lang Chánh, Thanh Hoá) được vay vốn từ ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lang Chánh vào đầu năm 2015 với số tiền 50 triệu đồng. Với nguồn vốn ưu đãi này, ông Cầm quyết định xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp và trồng thêm các loại cây keo, mía, ngô, rau màu. Nhờ sự kiên trì chịu khó nay ông đã có một gia trại tổng hợp rộng 4ha bao gồm 2ha cây keo, 1ha cây luồng, đàn bò sinh sản 5 con, đàn gà thịt 80 con, thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm.
Gia đình chị Phùng Thị Quý, xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy) cũng là một trong những hộ dân tiêu biểu vươn lên thoát nghèo của địa phương. Chị Quý cho biết, cách đây 4 năm, hội phụ nữ xã đứng ra tín chấp giúp gia đình chị Quý được vay vốn phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, chị còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do các đoàn thể xã, huyện tổ chức. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi trong xã, chị đã có thêm kiến thức để áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi của gia đình. Đến nay, ngoài nuôi trâu, bò, gia đình chị Quý còn nuôi thêm lợn, gà, vịt... Vừa phát triển chăn nuôi vừa chú ý vệ sinh chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh, đàn lợn, gà phát triển ổn định cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm (sau khi đã trừ chi phí). Năm 2018, gia đình chị đã chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Gia đình ông Cầm, chị Quý chỉ là hai trong số rất nhiều những hộ dân tại Thanh Hoá đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn hỗ trợ và các chương trình phát triển kinh tế phù hợp với từng địa phương.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, với sự tập trung chỉ đạo cùng nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và của người dân, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân đạt 2,54%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch và thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước; vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được cải thiện rõ nét; thu nhập bình quân của người nghèo cao gấp 2,5 lần so với năm 2015. Uớc tính, đến cuối năm 2020, tỉnh Thanh Hóa còn tỷ lệ hộ nghèo 1,01%.
Nhiều gia đình thoát nghèo vì được hưởng lợi từ chính sách giảm nghèo bền vững. |
Điều đáng mừng là thông qua các chương trình, dự án được triển khai để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập, năng lực sản xuất, ý chí vươn lên của người nghèo đã được nâng lên, sự trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước đã giảm rõ rệt. Nhiều hộ dân thoát nghèo, vương lên làm giàu chính đáng cho gia đình và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong công tác xóa đói, giảm nghèo, nhiều tổ chức đoàn thể đã phát huy được tính tiền phong, sáng tạo để giúp đỡ hội viên xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. Từ năm 2016 đến nay, các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã xây dựng, thực hiện được gần 50 mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo cho trên 2.000 hội viên với kinh phí hỗ trợ trên 15 tỷ đồng, tiêu biểu như các mô hình nuôi trâu, bò, lợn cỏ sinh sản, lợn rừng, gà ri lai thương phẩm; nuôi cá lồng; trồng cam V2, bưởi Diễn, bí xanh, nghệ ruột đỏ, hoa...
Theo ông Lê Minh Hành - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian tới, Thanh Hóa cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhưn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp một cách quyết liệt đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là ở các huyện miền núi. Khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ ý lại của hộ nghèo, hộ cận nghèo là giải pháp then chốt, đột phá để giảm nghèo nhanh và bền vững; đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, Thanh Hoá cũng xác định phát triển sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm là giải pháp trọng tâmđể giảm nghèo nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp may mặc, giày da, chế biến nông sản, thủ công mỹ nghệ, du lịch cộng đồng…