Từ thiện tư nhân: Lòng tốt phải khoa học và nghiêm túc
Các hoạt động từ thiện đã tạo hiệu ứng xã hội tốt, tạo ra các phong trào thiện nguyện rộng rãi. (ảnh: Dân Trí) |
Không trái pháp luật nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trong thời gian gần đây, với ảnh hưởng của mình trong thời đại kỹ thuật số, việc có nhiều người nổi tiếng, người có ảnh hưởng tham gia vào các hoạt động từ thiện đã tạo hiệu ứng xã hội tốt, tạo ra các phong trào thiện nguyện rộng rãi.
Song, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người Việt Nam thường ít khi đóng góp dài hạn, thường xuyên cho một tổ chức từ thiện mà chỉ đóng góp khi bản thân thấy có nhu cầu (chứng kiến thiên tai, hoàn cảnh khó khăn…) hoặc khi được kêu gọi. Thói quen này cũng dẫn đến việc thiếu kiểm tra, giám sát, theo dõi việc sử dụng các khoản hỗ trợ đúng mục đích.
Cá nhân đứng ra kêu gọi thì thường xuất phát từ tình cảm, quan điểm cá nhân chứ chưa hẳn là những người có kiến thức trong lĩnh vực từ thiện nhân đạo chuyên nghiệp. Vì thế, một số hoạt động từ thiện không phù hợp với nhu cầu của địa phương, của đối tượng hoặc bị trùng lặp dẫn đến kém hiệu quả. Một số hoạt động từ thiện theo nghĩa bố thí, không bền vững không những không giúp được người có hoàn cảnh khó khăn mà còn tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại. Từ thiện không phối hợp với chính quyền địa phương có khi còn tự gây nguy hiểm khi người làm từ thiện không có đủ phương tiện, kỹ năng cứu trợ khẩn cấp. Bên cạnh các cá nhân, tổ chức làm từ thiện với mục đích cộng đồng thì cũng xuất hiện một số hành vi lợi dụng từ thiện để trục lợi, đánh bóng bản thân, sử dụng tiền hỗ trợ không đúng mục đích đã làm giảm niềm tin của xã hội.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, hiện nay dù từ thiện cá nhân chưa được quy định chặt chẽ trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng việc các cá nhân đứng ra huy động tiền, vật chất để nhằm mục đích từ thiện là việc làm mà pháp luật không cấm. Hiện nay không có văn bản pháp luật nào cấm cá nhân nhận sự uỷ thác chuyển tiền, trừ trường hợp tiền không rõ nguồn gốc hoặc hoạt động phi pháp. Do đó, mối quan hệ giữa người kêu gọi và người đóng góp là quan hệ dân sự. Người kêu gọi chịu trách nhiệm với các khoản giao nhận và công khai tài chính nếu người uỷ thác (người đóng góp) có yêu cầu. Trong trường hợp người đóng góp nghi ngờ việc tài sản đóng góp của mình bị lợi dụng có thể khởi kiện việc lạm dụng tín nhiệm để trục lợi hoặc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về quản lý, giám sát tài sản từ thiện đối với từ thiện cá nhân; nhận thức chưa đầy đủ của người kêu gọi lẫn người đóng góp từ thiện, nên việc đóng góp từ thiện qua các cá nhân tiềm ẩn nhiều rủi ro sau:
Thứ nhất, về góc độ pháp lý, khi các khoản đóng góp được chuyển vào tài khoản cá nhân thì tài sản đã đứng tên sở hữu là người chủ tài khoản. Do đó, chủ tài khoản có quyền sử dụng (hoặc bị đóng hoặc phong toả tài khoản do vi phạm pháp luật) và có thể sử dụng trái với mục đích ban đầu.
Thứ hai, từ thiện tư nhân không phải tuân thủ các yêu cầu về trách nhiệm giải trình giống như các cơ quan, tổ chức có chức năng nhân đạo, từ thiện nên khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền hỗ trợ.
Thứ ba, do không có ràng buộc về thu chi, chủ tài khoản có thể dễ dàng trục lợi bằng việc mua sắm hàng hoá thiếu chất lượng, bớt xén hạng mục, tài trợ không đúng đối tượng…
Thứ tư, từ thiện tư nhân thường không được tiến hành bởi đội ngũ làm từ thiện chuyên nghiệp nên thiếu bài bản (thiếu điều tra ban đầu, hàng viện trợ mang ý chí chủ quan của người viện trợ, không tiến hành theo dõi sau khi tài trợ và thiếu tính bền vững).
Thứ năm, mục đích từ thiện ban đầu có thể bị biến tướng thành các hoạt động đánh bóng tên tuổi, gây thanh thế hoặc bị chiếm dụng vốn.
Hoạt động từ thiện rất quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng và đất nước |
Đã đến lúc thay đổi cách làm từ thiện tư nhân
Để hạn chế các nguy cơ trên, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật đảm bảo từ thiện tư nhân hoạt động công bằng, minh bạch, cần phải có sự thay đổi tư duy, cách làm từ những người vận động từ thiện đến những người đóng góp từ thiện. Từ kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân, tôi khuyến nghị người làm từ thiện tư nhân có thể xem xét một số cách làm sau:
Thứ nhất, để hoạt động bài bản, chuyên nghiệp chúng ta nên thành lập một Quỹ từ thiện để được hưởng những ưu đãi xứng đáng của một Quỹ từ thiện. Vì nếu một người làm từ thiện thông qua quỹ từ thiện, theo Khoản 13 Ðiều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân về thu nhập, được miễn thuế. Việc thành lập Quỹ từ thiện hiện nay là tương đối dễ dàng. Theo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25.11.2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện: Chậm nhất sau 40 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ. Trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Hơn nữa, Điều 6 về chính sách của Nhà nước đối với Quỹ nêu rõ, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và điều lệ của quỹ; Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao; Việc đóng góp tài sản của cá nhân, tổ chức vào quỹ được áp dụng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, nếu không thể thành lập tổ chức từ thiện, chúng ta có thể cộng tác với một tổ chức chuyên nghiệp. Các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp là những người có “nghề” nhưng để gây quỹ hiệu quả, họ cần sự ủng hộ, cộng tác của những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng. Ví dụ, Jacky Chan làm đại sứ cho tổ chức Phẫu thuật nụ cười (Operation Smiles), Taylor Swift từng quyên góp 4 triệu USD cho bảo tàng Country Hall of Fame, J.K. Rowling đã quyên góp hơn 160 triệu USD từ tiền bán sách vào Quỹ Lumos (LF), George Clooney là người đồng sáng lập quỹ "Not On Our Watch"… Thay vì kêu gọi đóng góp vào tài khoản cá nhân của mình (kể cả tài khoản lập riêng cho việc vận động) chúng ta có thể đưa trực tiếp số tài khoản của tổ chức từ thiện mà chúng ta phối hợp hoặc cộng tác.
Thứ ba, nếu chúng ta không xác định làm từ thiện chuyên nghiệp thì chúng ta vẫn có thể tự triển khai với tư cách cá nhân. Người vận động từ thiện phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương từ giai đoạn lập kế hoạch, đánh giá nhu cầu và triển khai cứu trợ. Để thực hiện hiệu quả, người vận động có thể tham khảo các bước sau: Bước 1, cá nhân tài trợ cần liên hệ với chính quyền địa phương thông báo về kế hoạch cứu trợ để địa phương làm các thủ tục tiếp nhận viện trợ. Đây là giai đoạn quan trọng để chúng ta tránh được sự trùng lắp trong phân bổ nguồn lực và quan trọng là chúng ta biết được thời điểm chính xác để viện trợ và còn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cả về nhân lực, vật lực. Bước 2, cần trực tiếp xuống địa bàn làm việc với chính quyền, người dân để thống nhất nội dung hỗ trợ, sau đó niêm yết công khai tiêu chí lựa chọn, danh mục hàng cứu trợ và số điện thoại đường dây nóng… Bước 3, khi mọi việc hoàn tất, không còn ý kiến thắc mắc, sẽ cùng với chính quyền, các đoàn thể địa phương triển khai cấp phát công khai. Bước 4, kiểm tra ngẫu nhiên người hưởng lợi để đánh giá mức độ phù hợp của hàng viện trợ, người nhận đúng tiêu chí, đúng đối tượng… Thực hiện tất cả các bước trên, chúng ta không quên thường xuyên báo cáo, cập nhật thông tin, minh bạch các khoản chi cho những người đóng góp. Công việc có thể phức tạp, nếu xem xét không đủ nguồn lực để làm bài bản, tốt nhất chúng ta nên làm theo cách thứ nhất hoặc cách thứ hai.
Đối với các nhà hảo tâm, cần cân nhắc kỹ lưỡng các nguy cơ trước khi chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Nếu hỗ trợ với khoản tiền lớn, chúng ta nên có hợp đồng để đảm bảo số tiền của chúng ta được sử dụng vào đúng mục đích từ thiện. Nếu không có hợp đồng thì cũng nên xem xét kỹ lưỡng xem người đứng ra quyên góp có bị mạo danh không, kế hoạch cụ thể sử dụng khoản tiền quyên góp như thế nào, cách thức báo cáo việc sử dụng số tiền ra sao. Lời khuyên là nên ủng hộ cho các tổ chức có uy tín, có tư cách pháp nhân rõ ràng như Mặt trận Tổ quốc các cấp, Hội Chữ thập đỏ các cấp, các Quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25.11.2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Làm việc tốt càng phải nỗ lực tư duy sâu, làm chu đáo và tỉnh táo, thông minh mới có thể trọn vẹn được tấm lòng của mình khi san sẻ với cộng đồng.