Từ Gạc Ma đến Chữ Thập: Một kế hoạch liên hoàn đặc biệt nguy hiểm của Trung Quốc
Cơ sở xây dựng trái phép của Trung Quốc trên bãi đá Chữ Thập - Ảnh: internet.
Bãi đá Chữ Thập (khoanh tròn màu đỏ) cùng với bãi đá Gạc Ma gần đó sẽ trở thành "lá chắn" quân sự cô lập quần đảo Trường Sa của Việt Nam với đất liền.
Chuỗi căn cứ quân sự trên biển
Trả lời câu hỏi của Thời Đại, sau Gạc Ma hành động tiếp theo sẽ là gì, vị Thiếu tướng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an cho rằng, sau Gạc Ma là bãi đá ngầm Chữ Thập. Và đấy sẽ là một cơ sở quân sự lớn hơn gấp nhiều so với Gạc Ma. Thời gian để biến bãi đá ngầm Chữ Thập này thành một "đảo nổi" thứ 2 cũng chỉ mất khoảng một năm. Và như thế, chỉ khoảng đến cuối năm sau, 2015, Trung Quốc sẽ hoàn thành việc xây dựng 2 đảo nổi làm thành 2 căn cứ quân sự trên cơ sở bãi đá ngầm Gạc Ma và bãi đá ngầm Chữ Thập.
Như thế, chỉ đến cuối năm 2015, Trung Quốc ngoài sở hữu một căn cứ quân sự khổng lồ trên đảo Hải Nam, sẽ có thêm 2 căn cứ quân sự mới là “đảo nổi” Gạc Ma và “đảo nổi” Chữ Thập.
Tại “đảo nổi” sẽ được xây dựng trên bãi đá ngầm Chữ Thập, Trung Quốc sẽ cho xây dựng sân bay quân sự và làm căn cứ neo đỗ các hàng không mẫu hạm và các tàu quân sự khác. Về quy mô và địa thế, đảo Chữ Thập có khả năng đáp ứng yêu cầu là một cơ sở quân sự lớn hơn nhiều lần so với Gạc Ma.
Đáng chú ý là phân tích chiến lược của Trung Quốc ở biến Đông sẽ sử dụng vùng biển này làm căn cứ quân sự chính chứ không phải là biển Hoa Đông. Đồng nghĩa với nó là sự tập trung không chỉ một tàu sân bay hiện có mà gồm những chiếc đang đóng mới. Như thế, “đảo nổi” Chữ Thập sẽ trở thành căn cứ tàu sân bay và quân sự quy mô nhất trên biển của Trung Quốc chứ không phải Gạc Ma.
Một động thái đáng chú ý là cách chọn lựa bước đi chiến thuật khi nước này tiến hành xây dựng trái phép trên bãi đá ngầm Gạc Ma chứ không phải Chữ Thập dù đây mới là căn cứ chính và có quy mô lớn lớn hơn 3 lần về diện tích. Đó là chiến thuật lấn từng bước. Bãi đá ngầm Gạc Ma gần đảo Hải Nam hơn nên dễ chi viện cho quá trình xây dựng so với bãi đá ngầm Chữ Thập. Hơn nữa, xây dựng trên bãi đá ngầm nhỏ Gạc Ma cũng sẽ khiến dư luận phản ứng của các nước liên quan, trong đó có Việt Nam dù cương quyết nhưng cũng ở mức độ hợp lý hơn. Đặc biệt là các phản ứng không đẩy vấn đề đến mức độ khủng hoảng và bế tắc, không gây cản trở cho bước đi tiếp theo ở Chữ Thập. Nếu làm ngược lại, vừa lộ mục đích chính vừa có thể gây phản ứng đến mức khủng hoảng, mất kiểm soát cho kế hoạch tiếp theo.
Không chỉ có thế, để che chắn cho kế hoạch vừa xây vừa lấn, với mong muốn “đầu xuôi đuôi lọt” và tạo sự đã rồi, Trung Quốc đẩy giàn khoan 981 ra biển Đông khiến hàng loạt nước có liên quan trong khu vực và Việt Nam tập trung phản ứng vào tình huống tức thì này. Mặc dù, thái độ phản ứng của Việt Nam rất quyết liệt trên phương diện ngoại giao cũng như phản ứng từ một số nước trong khu vực và đặc biệt là thái độ rất mạnh mẽ của Hoa Kỳ nhưng đó là điều mà Trung Quốc đang mong đợi. “Chiếc bình phong” mang tên giàn khoan 981 đã hứng hầu hết sự chú ý và che chắn tốt cho quá trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi đá Gạc Ma của Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, một “hòn đảo” nhân tạo đang nổi lên lù lù trước mắt nhiều nhân chứng là phóng viên của một số hãng thông tấn quốc tế. Điều mà họ mô tả khi bất ngờ chạm chán với một “hòn đảo” nhân tạo trên khu vực mà bản đồ thế giới và các thiết bị định vị vệ tinh hiện đại của họ đều ghi là vùng biển, không có đảo, chỉ có bãi đá ngầm dưới mặt nước là “nó mọc lên” tự lúc nào khiến họ sửng sốt. Một “sự đã rồi” đang đi vào giai đoạn hoàn thiện ở bãi đá ngầm Gạc Ma.
Thiếu tướng Lê Văn Cương - Ảnh: Internet.
Chính hành động dùng giàn khoan 981 “gây bão” ở biển Đông, che chắn cho hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc ở bãi đá ngầm Gạc Ma mà có thể dự đoán được rằng Trung Quốc sắp “gây bão” một lần nữa nhằm lôi kéo sự chú ý và phản ứng của dư luận các nước liên quan ra khỏi kế hoạch xây dựng trên bãi đá ngầm Chữ Thập.
Sắp tới, họ sẽ sử dụng hành động cụ thể hay những phương án nào để tạo ra một “tấm bình phong” mới nhằm che đậy cho việc xây dựng trái phép trên bãi đá ngầm Chữ Thập. Một tàu sân bay Liêu Ninh sẽ xuất hiện trong một hành động gây hấn mới hay một loạt các giàn khoan khổng lồ đã đóng xong sẽ tràn xuống biển Đông gây nhiễu hay một con tàu chế biến cá tươi khổng lồ được sửa lại từ một tàu trở dầu cỡ lớn sẽ biến biển Đông thành cái ao nhà của họ…? Mức độ hành động cũng vẫn không có giới hạn cứng mà sẽ sử dụng nhiều hành động khác nhau, thời điểm linh hoạt để gây phân tán khả năng ứng xử cũng như tránh duy trì một hành động liên tục có thể gây căng thẳng mất kiểm soát. Nhưng cũng vẫn không từ bỏ kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh trong tình huống một quốc gia liên quan có sự phản ứng vượt tầm kiểm soát.
Theo đánh giá của PGS Lê Văn Cương, thời gian để xây xong cơ sở căn cứ quân sự trên đá Chữ Thập cũng chỉ khoảng một năm, tức là vào cuối năm 2015 “hòn đảo” nhân tạo, cơ sở căn cứ quân sự nguy hiểm nhất của Trung Quốc trên biển Đông sẽ lù lù hiện diện. Phải đến lúc này, Trung Quốc mới có đủ sự hỗ trợ cần thiết về quân sự đảm bảo cho việc khống chế hoàn toàn trên mặt biển, dưới lòng biển và trên không trung của toàn khu vực này. Khi đó, Trung Quốc sẽ chính thức tuyên bố thành lập khu nhận dạng phòng không ở biển Đông. Cũng liên quan đến tuyên bố thành lập khu nhận dạng phòng không nhưng ở trên biển Hoa Đông cho thấy cách cư xử của họ rất khiên cưỡng, làm cho có, tuyên bố xong để đấy và nó chỉ ra rằng, biển Hoa Đông và vùng nhận dạng đó không nhằm tạo một căn cứ quân sự chính của Trung Quốc trên biển.
Khẩn trương nâng cao sức mạnh nội lực
Cục diện quân sự sẽ ra sao khi “đảo nổi” thứ 2 và là căn cứ lớn nhất của Trung Quốc trên biển Đông ra đời? Khi đó, họ sẽ có một chuỗi các căn cứ quân sự bắt đầu từ đảo Hải Nam, Hoàng Sa, Gạc Ma, Chữ Thập. Chuỗi này đủ sức khống chế hoàn toàn biển Đông cả trên mặt biển, dưới ngầm và trên không trung. Khi hoàn thành chuỗi căn cứ quân sự này, không một lực lượng quân sự nào, dù là tàu chiến, tàu ngầm hay máy bay nào của Mỹ có thể lọt qua sự khống chế đó để có thể xâm nhập vào vùng giáp danh Trung Quốc.
Liên kết hai “đảo nổi” Gạc Ma và Chữ Thập về mặt quân sự dưới lòng biển, trên mặt biển và trên không trung còn có khả năng trực tiếp khống chế quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đặc biệt hạn chế khả năng xuất quân của hải quân từ đất liền ra đảo và ngược lại. Trong hệ thống liên kết giữa Hải Nam với Gạc Ma và Chữ Thập sẽ khiến cho Vịnh Bắc Bộ cũng có khả năng bị khống chế. Hai “đảo nổi” này cũng trực tiếp khống chế bãi cạn Scarbrough mà Philippine tuyên bố chủ quyền.
Khi đó, Mỹ và hạm đội 7 sẽ phải chấp nhận đứng bên ngoài biển Đông và mối liên hệ của họ về sức mạnh hải quân với các đồng minh trong khu vực sẽ trở nên mờ nhạt. Trừ khi họ quyết liệt cản trở việc xây dựng bãi đá ngầm Chữ Thập. Trong tình huống Mỹ không có hành động đủ sức ngăn cản kế hoạch của Trung Quốc, điều đó có thể bị hiểu là Mỹ đã ngầm bật đèn xanh, nhường lại biển Đông cho Trung Quốc. Nhưng điều này khó có thể xảy ra vì nó chống lại toàn bộ chiến lược trọng tâm của nước Mỹ là xoay trục về Châu Á. Chiến lược này dường như khó có thể đem ra đánh đổi nhất là trong giai đoạn nó mới chỉ bắt đầu. Hơn nữa, chiến lược này không chỉ nhắm vào quân sự và Trung Quốc, nó còn là tương lai của nước Mỹ về phát triển kinh tế.
Một câu hỏi quan trọng cần lời giải thấu đáo là Việt Nam có thể làm gì để chủ động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình trước những tình huống xấu nhất? Theo PGS Lê Văn Cương, chúng ta vẫn có lời giải, dù đã khá muộn.
Trước tiên, muốn tự bảo vệ chủ quyền dân tộc trước các mối họa xâm lăng, chúng ta cần phải có nội lực mạnh. Nội lực mạnh được hiểu là niềm tin và sự đồng lòng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Muốn thế, Đảng và Nhà nước cần phải nhanh chóng và quyết liệt ra tay dẹp trừ nạn tham ô tham nhũng của một bộ phận không nhỏ các quan chức và công chức trong bộ máy chính quyền. Phải làm để dân thấy, dân tin. Để tăng sức mạnh nội lực cũng cần có những cải cách về mặt kinh tế nói chung và thu hút đầu tư nói riêng và đặc biệt phải gắn con thuyền kinh tế với dòng chảy chính của thế giới là Mỹ - Châu Âu và Nhật Bản. Mặt khác, về quan hệ đối ngoại, phải xây dựng được lòng tin và quan hệ chặt chẽ, sâu rộng hơn với một nhóm các nước đối tác đặc biệt quan trọng giúp tăng năng lực tự vệ và chiến đấu của quân đội lên tầm mức cao hơn. Việt Nam không cần đến các Hiệp định song phương về an ninh cũng không cần phải liên minh quân sự nhưng phải có những đối tác rất mật thiết, hỗ trợ toàn diện. Thậm chí Việt Nam hoàn toàn tự chủ trong việc liên minh quân sự không nhằm mục đích chống lại nước thứ ba mà chỉ để tự vệ, chẳng hạn như liên minh với Ấn Độ và Nhật Bản.
Theo PGS Lê Văn Cương, có được sự đồng lòng quyết tâm của 90 triệu dân, có một diện mạo mới đáng tin cậy về quản lý nhà nước chống tham nhũng, minh bạch, với sức mạnh rõ ràng trong đường lối cải cách kinh tế và sự hỗ trợ từ các đối tác bạn bè quốc tế thì không một kẻ thù nào có thể xâm phạm đến bờ cõi của dân tộc ta.
Hoàng Đình