TS. Nguyễn Trí Hiếu: 4 “biến số” với nền kinh tế Việt Nam năm 2025
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu |
Dự báo một năm nhiều thử thách với nền kinh tế
Tại hội thảo "Đầu tư 2025: Giải mã biến số - nhận diện cơ hội" do Báo đầu tư tổ chức sáng 12/12, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu, cho rằng năm 2024 là một năm đầy thách thức đối với Việt Nam bởi đã có rất nhiều biến động về địa chính trị và kinh tế toàn cầu.
“Những yếu tố này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường tài chính và các thị trường khác trên thế giới. Việt Nam, với độ mở lớn vào thị trường quốc tế, không nằm ngoài vòng tác động”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Cụ thể, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích chính sách tiền tệ của Mỹ, đặc biệt là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng, đã làm thay đổi cục diện kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu. Trong năm 2024, Fed đã giảm lãi suất sau một thời gian dài tăng lãi suất, tác động mạnh đến tỷ giá, thi trường chứng khoán và thị trường ngoại hối của Việt Nam. Đồng thời, biến động địa chính trị đã ảnh hưởng đến giá vàng toàn cầu, từ đó lan sang thị trường vàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, do thị trường vàng trong nước chưa liên thông chặt chẽ với thị trường thế giới, giá vàng tại Việt Nam bị ảnh hưởng nhưng không giảm sâu như thế giới.
“Nhìn chung, năm 2024 chứng kiến nhiều biến động toàn cầu, tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Dẫu vậy, chúng ta vẫn giữ được một số điểm sáng, như kiểm soát được lạm phát ở mức khả quan, đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trong năm 2024. Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, và đến thời điểm này, tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt khoảng 6,5%”, ông Hiếu nhìn nhận.
4 “biến số” đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2025
Sang năm 2025, TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo những tác động từ năm 2024 sẽ tiếp tục kéo dài, kèm theo những biến cố mới, đặc biệt là trên mặt trận địa chính trị. Với nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, thế giới sẽ phải đối mặt với những chính sách bảo hộ thương mại quyết liệt, trong đó Việt Nam cũng sẽ chịu tác động mạnh. Điều này đặt ra yêu cầu phải chuẩn bị kỹ lưỡng, vì năm 2025 có thể sẽ là một năm đầy thử thách cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, vị chuyên gia này lưu ý có 4 “biến số” chính đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm tới. “Biến số” thứ nhất liên quan đến vấn đề tỷ giá. Chỉ số đồng USD (DXY) ghi nhận tăng mạnh trong thời gian qua và dự báo, cả năm 2024, đồng Việt Nam sẽ mất giá khoảng 5%. Sang năm 2025, tỷ giá có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của ông Donald Trump.
"Giới chuyên môn cho rằng chính sách giảm thuế cho người giàu của ông Trump sẽ tăng thiếu hụt ngân sách cho Mỹ và có khả năng buộc Chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu với lãi suất cao để cân đối ngân sách. Thâm hụt ngân sách cũng có thể buộc Fed mua trái phiểu Chính phủ Mỹ nhiều hơn, một động thái được gọi là nới lỏng định lượng, làm phình tổng tài sản của Ngân hàng trung ương Mỹ và đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông. Tất cả những điều này có khả năng làm tăng lạm phát và buộc Fed đào ngược chính sách tiền tệ từ nới lỏng hiện nay trở lại thắt chặt và tạo lực đẩy tỷ giá USD/VND", ông Hiếu nói.
“Biến số” thứ hai theo ông Hiếu là vấn đề về ngoại thương. Dưới khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên", ông Trump có thể sẽ áp thuế nhập khẩu cao với các quốc gia xuất siêu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam (Việt Nam là một trong 10 quốc gia xuất siêu lớn nhất vào Mỹ). Nếu Mỹ tăng thuế lên đến 60% đối với Trung Quốc và mức thấp hơn với các nước khác (ít nhất 25%), xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ chịu tác động lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
“Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ do Mỹ đang là đối tác xuất khẩu số một. Những chính sách bảo hộ mậu dịch của ông Trump nếu thực hiện sẽ rất bất lợi cho Việt Nam”, ông Hiếu nhận định.
Trong bối cảnh đó, ông Hiếu cho rằng, cách để cân bằng là tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhằm giảm thặng dư thương mại. Đồng thời, cần đón nhận cơ hội từ các doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất bán dẫn.
“Biến số” thứ ba được chuyên gia này chỉ ra là tình hình địa chính trị với những biến động tại các ‘điểm nóng” Ukraine, Trung Đông, và mới đây là bán đảo Triều Tiên có thể tạo ra những diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến tiền tệ toàn cầu và chính sách kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, theo ông Hiếu, những biến động địa chính trị trên sẽ tác đông lên chính sách đối ngoại của chính quyền ông Trump sau khi ông nhậm chức ngày 20/1/2025. Với vị trí là một siêu cường của thế giới, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ tác động mạnh mẽ lên tình hính chính trị toàn cầu và từ đó các thị trường tài chính. Việt Nam với sự lệ thuộc vào ngoại thương với Mỹ và có tỷ lệ thanh toán bằng đồng USD trong các giao dịch ngoại thương lên tới khoảng 80-90%, sẽ chịu những tác động của sự biến động của USD và các chính sách kinh tế và đối ngoại của Mỹ.
“Biến số” còn lại là những vấn đề của nội tại nền kinh tế Việt Nam. Ông Hiếu cho biết, hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn đang chật vật phục hồi sau COVID-19. Sự hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chưa đủ để giúp doanh nghiệp phục hồi hoàn toàn. Do đó, doanh nghiệp cần nhiều biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025.
Cơ hội đón nhận dòng vốn từ lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Việt Nam cũng đang có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa công nghiệp.
“Nếu cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ thì có khả năng một số công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc sẽ lại tìm đường dịch chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam”, ông Hiếu nói.
Bên cạnh đó, việc Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, có thể giúp hàng hóa Việt Nam được hưởng lợi từ mức thuế thấp hơn so với Trung Quốc khi xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, cần học hỏi từ bài học của những năm trước trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nếu Việt Nam không cẩn thận và trở thành trạm trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ vì hàng hóa nhập khẩu trực tiếp vào Mỹ từ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế rất cao, như vậy khả năng Việt Nam sẽ bị theo dõi và trừng phạt.
Với thị trường châu Âu, ông Hiếu đánh giá nhiều hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người dân châu Âu và giá rẻ so với hàng sản xuất nội địa tại châu Âu nên đây vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sau Mỹ.
TS. Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương |
Ở góc nhìn lạc quan hơn, TS. Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, năm 2025 Việt Nam vẫn có nhiều động lực để thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, bên cạnh yếu tố lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát thì cả ba khu vực kinh tế vẫn tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn.
Động lực tiêu dùng nội địa dù phục hồi chưa như kỳ vọng nhưng mức sống của người dân đang có sự chuyển biến và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt để giúp thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước.
Cùng với đó, động lực từ xuất khẩu và thu hút FDI vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng tích cực. Cơ sở hạ tầng cũng ngày một hoàn thiện nhất là đường bộ cao tốc được kéo dài và mở rộng ra nhiều địa phương giúp tăng kết nối liên vùng,… Thu ngân sách Nhà nước năm 2024 tăng mạnh cũng là cơ sở để Nhà nước tiếp tục tăng chi đầu tư công và chi thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển.
Đồng thời, một số chính sách mới được ban hành sẽ giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế, nhất là các luật mới được ban hành trong năm 2023 và năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu có hiệu lực và được thể chế chi tiết…
Tuy nhiên, để nắm bắt được các cơ hội, TS. Lương Văn Khôi nhấn mạnh cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khai thác hiệu quả nguồn vốn cho phát triển; tăng cường hoàn thiện thể chế để định hướng hiệu quả nguồn vốn FDI; hoàn thiện hạ tầng cho phát triển thông qua tăng đầu tư công để phát triển hạ tầng giao thông, nhất là phát triển đường bộ cao tốc và các sân bay; hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh,…