Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu những động lực để đạt tăng trưởng 8% năm 2025
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương - Ảnh: VGP |
Sáng 7/12, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ từ nay đến cuối năm mục tiêu là hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của năm 2024, trong đó, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt khoảng 7,5%, cả năm 2024 đạt trên 7%. Đồng thời, phải giữ đà, giữ nhịp để tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng 2 con số.
Trong cuộc họp báo chiều cùng ngày, làm rõ giải pháp để tăng tốc phát triển kinh tế trong tháng cuối năm 2024 và năm 2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, từ nay đến hết năm 2024 còn chưa đầy một tháng nữa. Cho nên, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu không có gì khác là tăng tốc tất cả những giải pháp đã đề ra từ đầu năm đến nay. Từ các nghị quyết, chỉ đạo liên ngành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta phải thực hiện nốt trong tháng cuối cùng với cường độ, mức độ cao nhất có thể để về đích một cách tốt nhất.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đến nay hầu hết dự báo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 đều tích cực hơn so với những dự báo hồi đầu năm hay giữa năm. Đây là nhận xét hết sức khách quan của các tổ chức quốc tế. Kịch bản điều hành kinh tế-xã hội mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo với Chính phủ vào quý III cũng cho thấy trong quý cuối năm 2024, nếu không có những biến động lớn xảy ra, như bão, lũ hay những tác động tiêu cực từ bên ngoài, Việt Nam có cơ sở để đạt được mức tăng trưởng 7% cả năm.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, sau khi rà soát lại tất cả động lực tăng trưởng từ nay đến cuối năm, Bộ nhận thấy có cơ hội để gia tăng thêm phần tăng trưởng.
Thứ nhất về xuất khẩu, tín hiệu thị trường xuất khẩu hiện nay tương đối tốt. Các đơn hàng không những quay trở lại với doanh nghiệp trong năm 2024 mà đến thời điểm này, sự gia tăng của xuất khẩu đang ở mức rất tốt, chỉ cần cố thêm một chút thì tăng trưởng sẽ tốt hơn.
Thứ hai, về đầu tư, các nhà đầu tư và các chuyên gia nước ngoài đều đánh giá khi thị trường đầu tư trên thế giới ảm đạm thì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lại rất tốt, tạo động lực đóng góp vào tăng trưởng chung của cả năm.
Ngoài ra, đầu tư trong nước cũng đang dần cải thiện khi số liệu những tháng gần đây cho thấy số lượng doanh nghiệp đăng ký mới gia tăng trở lại. Điều này phản ánh niềm tin và triển vọng kinh tế cũng như điều hành kinh tế của Chính phủ, của doanh nghiệp và nhà đầu tư không những phục hồi mà còn gia tăng.
Cuối cùng là động lực đến từ tiêu dùng. Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết dù thời gian qua tiêu dùng hàng hóa của thị trường trong nước tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng nhưng cũng đã có những dấu hiệu tích cực. Kỳ vọng vào thời điểm cuối năm có những ngành quan trọng có thể tác động đến gia tăng tiêu dùng trong nước và có thể tận dụng cơ hội chi tiêu của người dân vào thời điểm lễ Noel, dịp Tết dương lịch.
Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ từ sự tăng trưởng của du lịch. Theo số liệu, trong 11 tháng năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đã đạt hơn 15,8 triệu lượt người, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.
"Tôi cho rằng với sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành cùng những giải pháp đúng đắn đã đề ra từ đầu năm đến giờ, chúng ta tăng mức độ, cường độ thực hiện vào tháng cuối, không những có thể đạt được mục tiêu kỳ vọng 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao mà có thể đạt cao hơn 7% một chút. Đây là kết quả tăng trưởng của năm 2024 và chúng ta hoàn toàn có hy vọng", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Về năm 2025, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay, hiện nay Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025. Trong đó đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5-7%. Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đạt 7-7,5%. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn, mạnh dạn đặt mục tiêu 8% năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định Việt Nam có cơ sở để nói đến mục tiêu này, bởi lẽ sự tiếp nối đà tăng trưởng từ năm 2024 có thể dẫn thêm vào năm 2025, năm cuối cùng của kế hoạch năm 2021- 2025. Đồng thời có nhiều nhân tố mới với các thay đổi mang tính căn cơ, đặc biệt là thay đổi về thể chế đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 với nhiều luật được thông qua. Sự thay đổi lớn trong các luật này là tư duy đột phá, tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tư tưởng lớn của các luật là tháo gỡ những điểm nghẽn, những vướng mắc.
Các luật này sẽ có hiệu lực ngay từ đầu năm 2025, điểm rơi có thể kích thích tăng trưởng thông qua giải phóng nguồn lực lâu nay bị ách tắc đóng góp phần lớn cho tăng trưởng từ năm 2025.
Cùng với đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng với quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phấn đấu mức tăng 8%. Đây cũng là bước để chuẩn bị sẵn sàng như Tổng Bí thư đã nêu là "chúng ta sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
"Rõ ràng với mục tiêu cao cả này của Đảng và Nhà nước, chắc chắn vấn đề tăng trưởng kinh tế sẽ là nội dung hết sức quan trọng. Tốc độ tăng trưởng phải cao hơn nữa chúng ta mới đạt được mục tiêu 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2030, trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình cao trên thế giới và có nền công nghiệp hiện đại và hướng tới mục tiêu năm 2045 là nước phát triển có mức thu nhập cao", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, để đạt được mục tiêu dài hạn như vậy, phải bắt đầu hành động ngay từ bây giờ và không bàn đến vấn đề quá sức hay không quá sức mà đã đặt ra thì phải quyết tâm làm.
"Mặc dù Nghị quyết của Quốc hội đã được thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 6,5-7% nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị trình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là chỉ đạo trên tâm thế 8%", Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.