Trung Quốc ngang ngược nói không cho bên thứ 3 thăm dò dầu khí ở Trường Sa
Quần đảo Trường Sa là của Việt Nam
Thanh Niên ngày 2/10 dẫn nguồn báo Hindustan Times cho biết đã gửi đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc một danh sách các câu hỏi liên quan đến phản ứng của nước này sau cuộc họp ngoại trưởng ba nước Ấn Độ - Nhật Bản - Mỹ về Biển Đông, trong đó 3 nước kêu gọi giải quyết các tranh chấp theo đúng luật pháp quốc tế, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và giao thương trên các tuyến hàng hải quốc tế, bao gồm biển Đông.
Đáp lại, phía Trung Quốc trả lời rằng không những có chủ quyền ở Nam Sa (cách Trung Quốc gọi Trường Sa - PV), mà Trung Quốc còn có chủ quyền ở vùng đáy biển dưới đó, và “chống lại bất kỳ một quốc gia hoặc công ty dầu khí nào thăm dò ở vùng biển nằm trong quyền hạn của Trung Quốc mà không được phép của Trung Quốc”.
Cũng theo báo Thanh Niên, phía Trung Quốc cũng ngang ngược tuyên bố: “Cho tới này, mọi cơ chế đều đang vận hành rất tốt và đạt được nhiều tiến triển. Hiện nay, tình hình biển Đông đang tiến tới ổn định. Trung Quốc kiên quyết duy trì sự ổn định phải khó khăn lắm mới đạt được này. Các nước bên ngoài cần tôn trọng nỗ lực của Trung Quốc và các nước liên quan để duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông” (?).
Ở một diễn biến khác liên quan ngày 30/9/2015, tờ Zing News dẫn lời nói trên hãng tin Kyodo của một quan chức Cục Hàng hải và Hải cảng thuộc cơ quan Giao thông và Thông tin Đài Loan, rằng Đài Loan sẽ hoàn tất việc xây dựng ngọn hải đăng đầu tiên trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông (phía Đài Loan gọi là Itu Aba và Trung Quốc gọi là Thái Bình).
Dự kiến, ngọn hải đăng chạy bằng năng lượng Mặt trời trên sẽ được hoàn thành trong ngày 30/9 hoặc 1/10 và sẽ hoạt động ngay sau khi vượt qua các cuộc kiểm tra. Trang mạng của Cục Hàng hải và Hải cảng Đài Loan đã ngang ngược ngụy biện mục đích của công trình này là “củng cố chủ quyền và đảm bảo an toàn hàng hải.”
Ngoài ngọn hải đăng trên, phía Đài Loan còn thách thức luật pháp quốc tế và xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam khi công bố 2 dự án phát triển khác đang được thi công trên đảo Ba Bình và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015.
Việt Nam nhiều lần mạnh mẽ khẳng định có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình từng nêu rõ:
“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của nước ngoài ở khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.
Việt Nam kiên quyết phản đối việc Đài Loan xây dựng hải đăng phi pháp ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu phía Đài Loan chấm dứt ngay hoạt động sai trái đó và không tái diễn các hành động tương tự".
A.T